Thừa cân, béo phì hình thành từ lối sống ít vận động, chế độ dinh dưỡng không hợp lý hoặc một phần do yếu tố di truyền và môi trường xung quanh. Trong cuộc sống bận rộn, sự mất cân bằng giữa chế độ ăn uống và tiêu hao năng lượng đang dần tăng lên, tác hại của béo phì cũng trở thành một vấn đề cần được giải quyết.
Thừa cân, béo phì không chỉ là nguyên nhân của nhiều căn bệnh mà còn tác động tiêu cực đến cảm xúc, tâm lý của người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ về 10 tác hại của thừa cân béo phì đối với sức khỏe cơ thể, và bạn chắc chắn không nên bỏ qua bài viết này.
1. Bệnh tiểu đường loại 2
Bệnh tiểu đường loại 2 là loại bệnh tiểu đường phổ biến nhất, xảy ra khi lượng đường trong máu của bạn quá cao. Đường huyết là nguồn năng lượng chính của bạn và chủ yếu đến từ thực phẩm bạn ăn. Hoóc-môn insulin được tạo ra bởi tuyến tụy, giúp glucose đi vào tế bào của bạn để được sử dụng làm năng lượng.
Trong bệnh tiểu đường loại 2, cơ thể bạn không tạo đủ insulin hoặc không sử dụng insulin hiệu quả. Sau đó, quá nhiều glucose sẽ lưu lại trong máu và không đủ đến các tế bào của bạn. Theo thời gian, đường huyết quá cao có khả năng dẫn đến tổn thương thần kinh và những biến chứng nghiêm trọng.
Chất béo dự trữ trong cơ thể quá nhiều khiến bạn thừa cân trong một thời gian ngắn là điều kiện dẫn đến các vấn đề sức khỏe. Sự gia tăng tỷ lệ béo phì kéo theo sự gia tăng đồng thời tỷ lệ những người mắc bệnh tiểu đường.
Một báo cáo tại Anh cho thấy 90% người lớn mắc bệnh tiểu đường loại 2 đều bị béo phì hoặc thừa cân. Đặc biệt nếu bạn có quá nhiều mỡ dư thừa ở vùng bụng thì nguy cơ mắc bệnh của bạn càng cao hơn như: bệnh tim mạch vành, tử vong sớm, bệnh thận, mù lòa và đột quỵ…
Để tránh những tác hại của thừa cân béo phì và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, bạn nên có một chế độ ăn uống phù hợp giúp giảm cân, học cách kiểm soát sự thèm ăn, ngủ đủ giấc và tham gia các hoạt động ngoài trời thường xuyên.
2. Ngưng thở khi ngủ
Khi chúng ta ngủ, cơ thể vẫn tiếp tục được hoạt động nhưng trong một số trường hợp, người ngủ ngưng thở hoặc ngừng thở trong thời gian ngắn và họ không nhận ra điều này. Đó là sự rối loạn hơi thở khi ngủ hay còn được gọi là hội chứng giảm thông khí béo phì.
Người thừa cân, béo phì thường dự trữ lượng lớn chất béo trong khoang mũi của họ khiến thu hẹp không gian để cho oxy đi qua. Cân nặng của bạn càng lớn thì tỉ lệ gặp tình trạng thở bị gián đoạn khi ngủ càng cao. Nhiều người bởi vì béo phì chỉ thở bằng miệng vì việc thở bằng mũi rất khó khăn, đồng thời cơ thể họ cũng cần hấp thụ nhiều không khí hơn so với người có cân nặng phù hợp.
Tình trạng ngưng thở khi ngủ khi kéo dài sẽ dẫn đến rối loạn giấc ngủ, ngáy to, cơ thể mệt mỏi và nếu không được điều trị có thể gây ra huyết áp cao và tăng nguy cơ đột quỵ. Tuy nhiên, đừng lo lắng khi cân nặng của bạn giảm xuống, tình trạng ngưng thở khi ngủ cũng sẽ được cải thiện.
3. Bệnh gút
Thừa cân là một nguyên nhân chủ yếu khiến nồng độ axit uric trong máu cao hơn bình thường. Axit uric luôn được bài tiết ra khỏi cơ thể qua thận nhưng nếu bản thân cơ thể sản xuất quá nhiều axit hoặc thận không bài tiết đủ do ảnh hưởng của tế bào mỡ, axit uric dư thừa có thể tích tụ trong máu tạo ra nguy cơ mắc bệnh gút cao hơn. Một nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins cho thấy nguy cơ mắc bệnh gút của người béo phì nhanh hơn 3 năm so với những người cân đối.
Nếu bạn không bị béo phì nhưng bụng của bạn rất to thì nguy cơ lớn bạn sẽ mắc bệnh gút. Những phản ứng của cơ thể khi bị bệnh gút như: sưng, viêm, đỏ, cứng là triệu chứng mà bạn không nên bỏ qua. Chất béo và mỡ gây ra bệnh gút sẽ ảnh hưởng đến cơ thể con người trong một thời gian dài.
Giảm cân có thể giảm nguy cơ mắc bệnh gút nhưng bạn nên tập trung vào chế độ ăn phù hợp, không nên vận động mạnh vì nó sẽ khiến tình trạng viêm và đau trầm trọng hơn. Khi các triệu chứng của gút giảm bớt, bạn có thể lựa chọn những bài tập nhẹ nhàng như đạp xe, đi bộ, yoga.
Bạn có thể tham khảo: Yoga và chạy bộ cái nào tốt hơn dành cho bạn
4. Bệnh tim
Người già hay trẻ em, bất cứ ai có cân nặng quá cao cũng có thể gặp các vấn đề về tim. Thừa cân, béo phì khiến bạn dễ mắc bệnh tim mạch vành và suy tim do ảnh hưởng của mỡ lên hệ thống mạch máu.
Theo thống kê có khoảng 600,000 người chết do bệnh tim ở Hoa Kỳ mỗi năm, trẻ em thừa cân có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người trưởng thành khi cơ thể chúng chưa phát triển mà phải chịu áp lực lớn từ lượng mỡ tích trữ trong cơ thể.
Thừa cân thay đổi lượng cholesterol trong cơ thể con người gây ra sự gia tăng đột biến chất béo và huyết áp. Bên cạnh đó, cơ thể người béo phì cần nhiều máu hơn để cung cấp không khí, chất dinh dưỡng cho cơ thể đồng thời cũng gia tăng áp lực để di chuyển máu cho tế bào. Nó cũng có thể làm giảm cholesterol lipoprotein – một loại cholesterol rất quan trọng để loại bỏ những cholesterol xấu để bảo vệ trái tim của bạn.
Trái tim có vai trò rất quan trọng nên khi trái tim mắc bệnh cũng kéo theo sự suy yếu của những cơ quan khác. Để tránh những tác hại của thừa cân béo phì đến tim, các chuyên gia đề xuất bạn nên dành ít nhất 150 phút mỗi tuần tập thể dục bằng các hoạt động như đi bộ, chạy bộ, bơi vòng hoặc đạp xe. Khi bắt đầu giảm cân bạn nên chọn một môn thể thao đơn giản như chạy bộ và một đôi giày chạy bộ phù hợp nhằm đảm bảo sự thoải mái và tránh chấn thương trong quá trình tập luyện.
5. Bệnh gan
Bệnh gan là một trong những hồi chuông cảnh báo đầu tiên về tác hại của thừa cân, béo phì được gửi đến cơ thể bạn. Nhiều người nghĩ rằng việc uống rượu nhiều là nguyên nhân gây ra bệnh này nhưng thực tế dù bạn sử dụng cồn hay không, khi cơ thể bạn có trọng lượng quá lớn cũng có thể dẫn tới bệnh gan.
Khi chất béo dư thừa tích tụ trong gan sẽ gây ra viêm gan, gan nhiễm mỡ hoặc hình thành sẹo làm hỏng gan gây bệnh xơ gan. Mức độ nghiêm trọng của các chứng bệnh liên quan đến gan phụ thuộc vào chu vi vòng eo, cân nặng của bạn. Nó có thể làm tăng insulinemia, tăng triglyceride trong máu và suy giảm khả năng dung nạp glucose hoặc bệnh tiểu đường loại 2.
Bệnh gan thường không có triệu chứng cụ thể nhưng hậu quả cuối cùng vô cùng nặng nề khiến cơ thể bạn dần mất đi chức năng gan và tổn thương nghiêm trọng.
Các chuyên gia khuyên rằng cách duy nhất để đảo ngược và kiểm soát bệnh là một lối sống lành mạnh, hoạt động thể chất thường xuyên cũng như tránh uống rượu. Đồng thời, bạn cần chọn một mục tiêu giảm cân bền vững không nên vội vàng mà sử dụng các biện pháp giảm cân đột ngột khiến gan của bạn bị phá hủy.
6. Trầm cảm
Rất nhiều người không nghĩ rằng thừa cân, béo phì có liên quan đến tâm lý con người hay gây ra bệnh trầm cảm. Thực tế, những người có trọng lượng cơ thể cao sẽ gặp phải sự kỳ thị, phân biệt đối xử trong nhiều lĩnh vực bao gồm cả y tế và giáo dục. Đôi khi họ chịu đựng những lời chế giễu, thành kiến xã hội, nhiều lời từ chối và sỉ nhục.
Người béo phì trải qua sự phân biệt đối xử sẽ có sự thay đổi trong tâm lý tác động đến hành vi sức khỏe. Những suy nghĩ tiêu cực dẫn đến những hành vi tiêu cực như: họ sẽ ăn nhiều hơn và không thể kiểm soát, đồng thời việc lười vận động cũng khiến cân nặng không ngừng gia tăng.
Càng ngày người béo phì càng không thoát được một vòng luẩn quẩn. Họ sẽ tự tạo áp lực cho bản thân, suy nghĩ nhiều, thu mình lại, luôn ở trạng thái căng thẳng rồi nảy sinh các triệu chứng khác và dễ dàng đi đến trầm cảm nghiêm trọng.
Thừa cân, béo phì và trầm cảm có mối quan hệ qua lại với nhau. Trầm cảm là một trong số những tác hại của béo phì và ngược lại người mắc bệnh trầm cảm tìm kiếm sự giải tỏa bằng ăn uống cũng gặp phải tình trạng trọng lượng cơ thể tăng cao. Để có cơ thể khỏe mạnh, xuất phát từ tâm lý của bạn cần sự lạc quan, cảm nhận cuộc sống nhiều hơn bằng cách đơn giản như việc tìm cho bản thân một niềm yêu thích và theo đuổi nó.
Có thể bạn quan tâm: 14 cách giảm stress trong công việc và cuộc sống cực kì hiệu quả
7. Sức khỏe sinh sản
Béo phì ảnh hưởng rất lớn đến các chức năng và bộ phận trên cơ thể con người nhưng mọi người thường bỏ qua vấn đề sinh sản mà không biết rằng vô sinh cũng là một biến chứng của nó.
Chế độ ăn uống với nhiều chất béo và đường, các hoạt động giải trí thụ động kết hợp với thói quen không lành mạnh tạo ra sự rối loạn trong cơ thể hay rối loạn nội tiết khiến chu kỳ kinh nguyệt không đều, giảm tỉ lệ mang thai. Một trong số tác hại của thừa cân béo phì là làm giảm số lượng tinh trùng hoặc rối loạn cương dương ở nam giới dễ dẫn tới vô sinh.
Đặc biệt trong quá trình mang thai, mẹ bầu không chỉ rất mệt mỏi mà còn dễ gặp phải nguy cơ biến chứng nếu cơ thể của họ thừa cân. Lượng chất béo tích tụ gây kháng insulin, lượng đường trong máu cao, huyết áp cao làm xuất hiện những căn bệnh bao gồm:
- Bệnh tiểu đường thai kỳ.
- Tiền sản giật (một biến chứng thai kì với đặc trưng là huyết áp cao).
- Cần sinh mổ (sinh mổ).
- Cục máu đông.
- Chảy máu nhiều hơn bình thường sau khi sinh.
- Sinh non.
- Sự sảy thai.
- Khiếm khuyết của não và tủy sống.
Ngoài ra, những đứa trẻ sinh ra từ những bà mẹ béo phì hoặc thừa cân cũng có nguy cơ cao bị dị tật ống thần kinh hoặc chết lưu.
Giảm cân kéo dài có thể hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt cũng như tăng khả năng mang thai. Bạn nên xây dựng một kế hoạch để cân bằng cơ thể hoặc nghe lời khuyên trực tiếp từ bác sĩ để đảm bảo an toàn hơn nhất là trong quá trình mang thai.
8. Một số bệnh ung thư
Mỗi năm có hơn 684,000 bệnh nhân ung thư mà nguyên nhân chủ yếu là tác hại của thừa cân béo phì xảy ra ở Hoa Kỳ. Thừa cân không có nghĩa rằng bạn chắc chắn bị ung thư nhưng sẽ gia tăng khả năng bị ung thư hơn so với người có cân nặng trung bình.
Chất béo dư thừa trong cơ thể ảnh hưởng đến bạn như thế nào? Chúng khiến hoóc-môn tăng trưởng tăng lên và mô mỡ tạo ra lượng estrogen dư thừa, nồng độ cao có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, nội mạc tử cung, buồng trứng. Các tế bào phân chia thường xuyên hơn và lan sang các mô xung quanh làm tăng nguy cơ phát triển ung thư.
Nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác như:
- Ung thư vú và ruột (hai trong số các loại ung thư phổ biến nhất).
- Tuyến tụy, thực quản và túi mật (ba trong số những bệnh ung thư khó điều trị nhất).
- Ung thư tử cung và buồng trứng.
- Thận, gan và dạ dày trên.
- Myeloma (một loại ung thư máu).
- U màng não (một loại khối u não).
Chỉ số BMI cao tỉ lệ thuận với tỉ lệ tử vong do ung thư ở cả nam và nữ. Ảnh hưởng của loại bệnh này đến cơ thể rất nghiêm trọng và hiện nay chưa có những loại thuốc hiệu quả đối với tất các bệnh ung thư. Những biện pháp giảm cân chỉ góp một phần giảm nguy cơ ung thư bởi có rất nhiều nhân tố khác là nguyên nhân gây ra căn bệnh này.
9. Viêm xương khớp
Béo phì tạo áp lực lên hông, lưng dưới và đầu gối hình thành một tình trạng khớp phổ biến là bệnh viêm xương khớp. Những người béo phì có thể tạo áp lực gấp 3 đến 6 lần trọng lượng cơ thể của họ. Tổn thương ở khớp tích lũy dẫn đến viêm xương khớp do trật khớp, rách sụn và chấn thương dây chằng.
Bệnh nhân béo phì có khả năng cao bị thoái hóa khớp gối hai bên. Thừa cân không chỉ gây viêm xương khớp mà còn có thể làm tăng lipid trong máu, tăng axit uric máu. Tỉ lệ viêm xương khớp ở phụ nữ béo phì thường cao hơn so với nam giới.
10. Bệnh túi mật
Khi cơ thể có chỉ số BMI cao bất thường có thể gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về túi mật như sỏi mật hay viêm túi mật. Túi mật chịu trách nhiệm lưu trữ và giải phóng nồng độ của mật được sản xuất trong gan nhằm mục đích đáp ứng được các loại thực phẩm, đặc biệt là chất béo vào ruột non. Các chất béo thâm nhập vào và hình thành mô mỡ tạo ra nhiều cytokine dẫn đến rối loạn chức năng của các cơ quan trong nó.
Những người béo phì có thể có mức cholesterol trong mật cao hơn hoặc có túi mật không hoạt động tốt. Đây cũng là nguyên nhân chính của sỏi mật, polyp túi mật, ung thư túi mật và có thể cần đến phẫu thuật.
Béo phì khiến túi mật của bạn suy yếu gây hiện tượng đau phía bên phải của bụng, không dung nạp chất béo, đau sau khi ăn, buồn nôn, chán ăn. Để ngăn ngừa bệnh, bạn cần chú ý các dấu hiệu nhắc nhở sự xuất hiện và phát triển của bệnh. Phương pháp quan trọng nhất là thay đổi sinh hoạt, tập thể dục thường xuyên để giảm cân và chỉ số BMI.
Lời kết
Thừa cân, béo phì không chỉ khiến cơ thể tích tụ mỡ, chất béo gây ra các bệnh về gan, tiểu đường, túi mật, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản mà còn có nguy cơ mắc bệnh tim dẫn đến đột quỵ và nhiều biến chứng khác. Không chỉ vậy, nó còn ảnh hưởng đến tâm lý của những người béo phì khiến họ căng thẳng, suy nghĩ, thu mình dưới sự chế giễu, bất công thậm chí là mắc chứng trầm cảm.
Những tác hại của béo phì ấy như một hồi chuông cảnh báo bạn hãy quan tâm đến cân nặng của mình nhiều hơn. Bạn có thể chọn cho mình một bài tập thể dục phù hợp như chạy bộ, đi bơi, xây dựng lối sống lành mạnh để có một cơ thể khỏe mạnh.
Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn những tác hại của thừa cân béo phì, từ đó quan tâm hơn đến sức khỏe của mình. Nếu bạn có thắc mắc hoặc ý kiến đóng góp, hãy để lại bình luận ở dưới bài viết!