9 tác hại của căng thẳng stress đến sức khỏe cơ thể

Facebook
Twitter
Email

Căng thẳng hay stress là phản ứng tự nhiên của cơ thể nhằm đối phó với những tình huống hoặc sự kiện khiến bạn cảm thấy bị áp lực hoặc nguy hiểm.

Phản ứng với căng thẳng có thể giúp bạn tập trung, tràn đầy năng lượng và tỉnh táo hơn. Ví dụ trong những tình huống khẩn cấp như bạn cần tự vệ hoặc cần phanh gấp để tránh gây tai nạn chẳng hạn.

Hoặc căng thẳng cũng có thể giúp bạn vượt qua những khó khăn thử thách. Ví dụ như bạn phải hoàn thành báo cáo gấp để gửi cấp trên, tập trung cao độ để tìm phương án xử lý sự cố, chuẩn bị cho một bài thuyết trình…

Bên cạnh những lợi ích trong ngắn hạn, tác hại của căng thẳng cũng là không hề nhỏ. Căng thẳng có thể gây ra nhiều vấn đề với sức khỏe, tâm trạng, năng suất, các mối quan hệ và chất lượng cuộc sống của bạn. Đó là khi nguyên nhân gây ra căng thẳng không được giải quyết và kéo dài theo thời gian, hay còn gọi là căng thẳng mãn tính.

1. Tác hại của căng thẳng đến hệ miễn dịch

Khi bạn bị căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra nhiều hơn hoóc-môn cortisol để tăng cường hệ thống miễn dịch, sự kích thích này có thể giúp bạn tránh nhiễm trùng và chữa lành vết thương. Nhưng theo thời gian, cơ thể bạn đã quen với việc có quá nhiều cortisol trong máu, điều này làm giảm phản ứng của cơ thể với những yếu tố nguy hiểm từ bên ngoài.

Do đó, những người bị căng thẳng mãn tính dễ bị các bệnh do virus như cúm, cảm lạnh thông thường và các bệnh nhiễm trùng khác. Căng thẳng cũng có thể làm kéo dài thời gian để phục hồi sau khi bị bệnh hoặc chấn thương.

Vậy tại sao hệ thống miễn dịch bị ảnh hưởng bởi căng thẳng? Các nghiên cứu cho thấy rằng những tín hiệu thần kinh được tạo ra để phản ứng với các yếu tố gây căng thẳng có thể ngăn chặn các tế bào miễn dịch thực hiện công việc của chúng một cách hiệu quả.

Phân tích tổng hợp tương tự dựa trên nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, những người lớn tuổi và những người đã bị bệnh có nhiều khả năng phải đối mặt với những thay đổi miễn dịch liên quan đến căng thẳng.

2. Ảnh hưởng đến tim

Tim và các mạch máu là hai yếu tố của hệ thống tim mạch hoạt động cùng nhau trong việc cung cấp dinh dưỡng và oxy đến các cơ quan của cơ thể. Hoạt động của hai yếu tố này cũng được phối hợp trong phản ứng của cơ thể đối với căng thẳng.

Căng thẳng cấp tính là loại căng thẳng diễn ra trong thời gian ngắn, như đối mặt với tình trạng kẹt xe hoặc phanh gấp để tránh tai nạn. Những tình huống này gây ra sự gia tăng nhịp tim và các cơn co thắt mạnh hơn của cơ tim.

Ngoài ra, các mạch máu hướng máu đến các nhóm cơ lớn và tim giãn ra, làm tăng lượng máu được bơm đến các bộ phận này của cơ thể và tăng huyết áp. Khi tình huống căng thẳng qua đi, cơ thể trở lại trạng thái bình thường.

Căng thẳng mãn tính (căng thẳng trong thời gian dài) có thể góp phần vào các vấn đề đến tim và mạch máu. Sự gia tăng nhịp tim liên tục, mức độ cao của hoóc-môn căng thẳng và huyết áp có thể tác động xấu đến sức khỏe.

Tac hai cua cang thang den he tim mach

Căng thẳng cấp tính lặp đi lặp lại và căng thẳng mãn tính có thể ảnh hưởng đến tim và hệ thống tim mạch bằng cách thúc đẩy viêm trong động mạch, một yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch/xơ cứng động mạch.

Khi nồng độ hoóc-môn căng thẳng tăng trong máu, lượng đường trong máu cũng tăng lên. Nếu lượng đường đó vượt quá nhu cầu của cơ thể, chúng có thể kích hoạt phản ứng viêm trong thành mạch máu. Khi tình trạng viêm này xảy ra, mảng bám giàu cholesterol có thể tích tụ trong động mạch, có khả năng gây ra cơn đau tim hoặc đột quỵ.

3. Ảnh hưởng đến tinh thần

Căng thẳng ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng và cảm xúc của bạn. Các triệu chứng ban đầu có thể bao gồm khó chịu, gián đoạn giấc ngủ và suy giảm khả năng tập trung. Nguy hiểm hơn, căng thẳng thường là nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm.

Khi căng thẳng, mọi người có xu hướng ngừng tham gia vào các hoạt động lành mạnh và có lợi cho sức khỏe. Nói cách khác, căng thẳng gây ra tâm trạng chán nản và mệt mỏi, điều này lại tiếp tục tác động xấu đến tâm trạng của bạn.

Một số biểu hiện thường thấy như bạn hay cáu kỉnh và khó chịu hơn, điều này khiến các mối quan hệ trong công việc và cuộc sống ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Khi căng thẳng, nhiều người cũng thường xuyên lạm dụng rượu bia và các chất kích thích khác, dẫn đến xảy ra các vấn đề trong mối quan hệ với gia đình, cuối cùng là suy giảm tinh thần vì không hài lòng với chất lượng cuộc sống.

Cang thang co the dan den tram cam
Căng thẳng quá mức có thể dẫn đến chứng trầm cảm

Căng thẳng kéo dài có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lo âu quá mức. Khi căng thẳng xảy ra ở mức độ bình thường, các hoóc-môn căng thẳng như cortisol và corticotropin được giải phóng để phản ứng với mối đe dọa và mất dần ngay sau đó.

Tuy nhiên, khi căng thẳng kéo dài diễn ra, sự gia tăng cortisol và corticotropin trong cơ thể sẽ kéo dài hơn. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến chứng lo âu và rối loạn tâm trạng.

Căng thẳng và lo lắng mặc dù không giống nhau, nhưng chúng có nhiều triệu chứng chung như: đau đầu, nhịp tim nhanh, khó ngủ hoặc mất ngủ… Sự khác biệt là căng thẳng là phản ứng với một tình huống và lo lắng là phản ứng với căng thẳng đó.

Có thể bạn quan tâm: 14 cách giảm stress trong công việc và cuộc sống cực kỳ hiệu quả

4. Ảnh hưởng đến trí nhớ

Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến cách ký ức được hình thành. Khi bị căng thẳng, cơ thể sẽ giải phóng hoóc-môn cortisol gây hại cho vùng hãi mã của não, khiến mọi người gặp khó khăn hơn trong việc tạo ra những ký ức ngắn hạn và biến những ký ức ngắn hạn đó thành ký ức dài hạn, tức là việc học sẽ khó khăn hơn khi bạn bị căng thẳng.

Nếu bạn bị căng thẳng trong một tình huống hay sự kiện nào đó, bạn có thể bị nhầm lẫn hoặc không thể nhớ chính xác những chi tiết của sự kiện, vì sự căng thẳng có thể tác động đến nhận thức cũng như khả năng nhớ lại những gì chúng ta cảm nhận được vào thời điểm đó.

Chẳng hạn như bạn đã học rất chăm chỉ để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới, nhưng bạn rất lo lắng và căng thẳng đến nỗi khi bắt đầu làm bài, não của bạn dường như “không hoạt động” và bạn không thể nhớ một chi tiết mà bạn đã học trước đó.

Tac hai cua cang thang den nao bo
Căng thẳng kéo dài có thể làm suy giảm trí nhớ

Căng thẳng quá mức cũng có thể khiến bạn bị kiệt sức, dẫn đến suy giảm nhận thức bao gồm các vấn đề về với bộ nhớ và khả năng tập trung của bạn. Ảnh hưởng của việc suy giảm trí nhớ vẫn có thể kéo dài đến nhiều năm sau đó ngay cả khi tình trạng kiệt sức qua đi. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý căng thẳng trước khi nó xảy đến.

5. Đau cơ khớp

Khi cơ thể bị căng thẳng, cơ bắp của bạn cũng bị căng lên. Căng cơ gần như là một phản ứng phản xạ đối với căng thẳng để cơ thể chống lại chấn thương và đau đớn.

Nếu căng thẳng khởi phát đột ngột trong thời gian ngắn, các cơ căng lên cùng một lúc và trở lại trạng thái bình thường khi căng thẳng qua đi. Tuy nhiên, căng thẳng mãn tính khiến các cơ trong tình trạng bị căng cứng liên tục, điều này có thể kích hoạt các phản ứng khác của cơ thể, thậm chí tạo ra các rối loạn liên quan đến căng thẳng.

Điển hình là triệu chứng đau đầu trong và sau khi căng thẳng có liên quan đến căng cơ mãn tính ở khu vực vai và cổ. Đau cơ xương khớp ở lưng dưới và chi trên cũng có liên quan đến căng thẳng, đặc biệt là căng thẳng trong công việc.

Các kỹ thuật thư giãn và một số hình thức vận động như đi bộ, chạy bộ, yoga… đã được chứng minh là làm giảm căng cơ một cách hiệu quả, giảm tỷ lệ mắc một số rối loạn liên quan đến căng thẳng và cải thiện tâm trạng của bạn.

Đừng bỏ lỡ: 14 lợi ích của chạy bộ đối với sức khỏe cơ thể

6. Tăng cân

Sự gia tăng hoóc-môn căng thẳng cortisol có thể dẫn đến tăng cân. Mỗi khi bạn bị căng thẳng, tuyến thượng thận sẽ giải phóng adrenaline và cortisol, kết quả là glucose sẽ được giải phóng vào máu của bạn. Phản ứng này nhằm cung cấp năng lượng cần thiết để cơ thể đối phó với tình huống căng thẳng.

Khi trạng thái căng thẳng qua đi, adrenaline sẽ giảm dần và lượng đường trong máu cũng sẽ giảm đột biến, điều này khiến bạn có xu hướng sử dụng những sản phẩm chứa nhiều đường hơn.

Nhược điểm của việc tiêu thụ quá nhiều đường là cơ thể sẽ tích trữ chúng chủ yếu dưới dạng mỡ bụng, khiến bạn dễ bị tăng cân hơn. Một vòng luẩn quẩn tai hại sẽ diễn ra theo chu trình: căng thẳng, thèm ăn nhiều đường hơn, tăng cân nhiều hơn.

Ngay cả khi bạn không ăn thực phẩm giàu chất béo và đường, cortisol cũng làm chậm quá trình trao đổi chất của bạn, gây khó khăn cho việc giảm cân.

Vào năm 2015, một nghiên cứu được thực hiện để so sánh mức đốt cháy calo giữa những người bình thường và người trải qua căng thẳng cho thấy, những người được báo cáo bị một hoặc nhiều tác nhân gây căng thẳng trong 24 giờ trước đó đốt cháy ít hơn 104 calo so với những người không căng thẳng.

Điều này có thể dẫn đến việc tăng 5 kg trong một năm, những người bị căng thẳng cũng có mức insulin cao hơn, một loại hoóc-môn góp phần lưu trữ chất béo.

Cang thang keo dai dan den tang can

Ngoài việc khiến bạn tiêu thụ nhiều sản phẩm có chứa đường, căng thẳng còn có thể tăng cảm giác thèm ăn, dẫn đến việc bạn sẽ ăn nhiều hơn so với bình thường. Và thức ăn nhanh được bán sẵn sẽ là lựa chọn ưu tiên của bạn vì chúng không cần nhiều thời gian để chuẩn bị như một bữa ăn lành mạnh. Kết quả là bạn dễ bị tăng cân hơn.

Mặc dù ai cũng biết tham gia các hoạt động thể chất rất tốt cho sức khỏe tinh thần, nhưng sau một ngày dài làm việc căng thẳng, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi và muốn nghỉ ngơi thay vì xỏ giày và đi ra ngoài để đi dạo hoặc chạy bộ. Nếu bạn vừa muốn giảm bớt căng thẳng, vừa giảm cân hiệu quả thì chạy bộ rất đáng để bạn lựa chọn.

Ngoài ra, thói quen bỏ bữa, ăn uống không đúng giờ, tình trạng thiếu ngủ hoặc mất ngủ gây ra bởi căng thẳng cũng góp phần vào việc tăng cân của bạn.

Bài viết liên quan: 5 điều cần biết để chạy bộ giảm cân hiệu quả

7. Ảnh hưởng đến tình dục

Mặc dù căng thẳng ngắn hạn có thể khiến nam giới sản xuất nhiều nội tiết tố nam testosterone hơn, nhưng hiệu ứng này không kéo dài.

Nếu căng thẳng vẫn tiếp tục, nồng độ testosterone của nam giới có thể bắt đầu giảm. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất tinh trùng và gây rối loạn cương dương. Căng thẳng mãn tính cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cho các cơ quan sinh sản nam như tuyến tiền liệt và tinh hoàn.

Đối với phụ nữ, căng thẳng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, khiến “ngày đèn đỏ” của bạn trở nên khó khăn hơn. Căng thẳng mãn tính cũng có thể làm tăng các triệu chứng thể chất của thời kỳ mãn kinh.

Giam ham muon tinh duc vi cang thang keo dai

Ngoài các tác động về mặt chức năng sinh lý, căng thẳng có thể khiến đầu óc bạn luôn trong trạng thái suy nghĩ và lo âu, khiến bạn không còn tâm trạng để hứng thú với việc quan hệ vợ chồng.

Một số thói quen không lành mạnh như hút thuốc, uống rượu, ăn uống không kiểm soát và lười vận động cũng có thể xuất phát từ căng thẳng, góp phần cản trở đời sống tình dục lành mạnh của bạn.

8. Bạn già đi nhanh hơn

Một số dấu hiệu lão hóa từ bên trong cơ thể chúng ta sẽ rất khó nhận biết, nhưng một vài biểu hiện ra bên ngoài có thể dễ nhận ra hơn.

Căng thẳng kéo dài thể hiện trên khuôn mặt của bạn theo nhiều cách khác nhau như xuất hiện nếp nhăn, da khô và xỉn màu, quầng thâm hoặc bọng mắt, mụn trứng cá ở người lớn… và tất cả những điều này khiến bạn trông già đi.

Rụng tóc hoặc bạc tóc cũng là một dấu hiệu thường thấy của căng thẳng. Rất may là khi tác nhân gây căng thẳng qua đi, một thời gian sau tóc có thể trở lại trạng thái bình thường. Nhưng tình trạng căng thẳng kéo dài liên tục chắc chắn sẽ đẩy nhanh quá trình lão hóa của tóc hơn.

Khi chúng ta già đi, các chức năng liên quan đến thị thác và thính giác cũng suy giảm rõ rệt, nhưng căng thẳng còn khiến điều này diễn ra với tốc độ nhanh hơn.

Các vấn đề về thị lực bao gồm khô mắt, co giật mắt, mờ mắt, thậm chí mất thị lực tạm thời có thể là kết quả của căng thẳng quá mức. Đồng tử của bạn sẽ giãn ra khi bạn lo lắng, cho phép nhiều ánh sáng hơn đi vào để bạn nhanh chóng nhận ra những mối nguy hiểm phía trước, nhưng nếu điều này diễn ra liên tục, chúng sẽ gây hại cho mắt của bạn.

Đồng tử giãn nở mãn tính có thể khiến mắt nhạy cảm với ánh sáng, gây căng thẳng rất nhiều cho mắt, căng thẳng càng lâu, đôi mắt của bạn càng khó phục hồi.

Căng thẳng cũng có thể ảnh hưởng đến thính giác của bạn. Ráy tai được tạo ra nhiều hơn khi tuyến mồ hôi của bạn bị kích thích. Căng thẳng cũng có thể làm bạn bị ù tai thường xuyên hơn hoặc thậm chí bị ảo giác thính giác.

Như bạn đã biết, căng thẳng làm tặng lượng hoóc-môn cortisol quá mức, và sự tích tụ cortisol trong não của bạn có thể thay đổi cách bộ não hoạt động. Căng thẳng mãn tính có thể thu nhỏ vỏ não trước trán của bạn, ảnh hưởng đến trí nhớ và hiệu quả học tập.

9. Căng thẳng có thể dẫn đến tử vong

Căng thẳng trong ngắn hạn không có khả năng dẫn đến tử vong, nhưng nếu tình trạng căng thẳng kéo dài mà không được điều trị, nguy cơ tử vong bởi những căn bệnh có nguyên nhân từ căng thẳng vẫn có thể xảy ra.

Một số biểu hiện của sức khỏe xấu có thể kể đến như: suy giảm hệ miễn dịch, các căn bệnh liên quan đến tim mạch, cao huyết áp hoặc rối loạn giấc ngủ.

Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy rằng căng thẳng tinh thần nghiêm trọng có thể dẫn đến cái chết đột ngột do bệnh tim hoặc các vấn đề liên quan đến tim mạch. Ở những người đã có tiền sử mắc bệnh trước đó, nguy cơ này càng cao hơn.

Một số trường hợp căng thẳng quá mức có thể dẫn đến việc lạm dụng ma túy, rượu hoặc thuốc lá để đối phó với căng thẳng, đây đều là những thói quen xấu có thể dẫn đến tử vong.

Hơn nữa, khi sử dụng các chất kích thích mà cơ thể không còn khả năng kiểm soát, nhiều người thường thực hiện những hành vi gây nguy hiểm đến bản thân hoặc cho những người xung quanh.

Ngoài ra, ảnh hưởng của căng thẳng có khả năng gây ra các căn bệnh như trầm cảm và suy sụp tinh thần, trầm cảm kéo dài không được phát hiện và điều trị có thể dẫn đến nguy cơ tự tử.

Lời kết

Một số tình huống căng thẳng có thể giúp bạn tập trung năng lượng để vượt qua những khó khăn và áp lực trong ngắn hạn, nhưng tác hại của căng thẳng kéo dài cũng rất nguy hiểm. Suy giảm sức khỏe tinh thần và và thể chất dẫn đến nguy cơ mắc nhiều căn bệnh liên quan đến tim, suy giảm miến dịch, trầm cảm…

Bất cứ khi nào cảm thấy căng thẳng, hãy áp dụng những bài tập thư giãn như đi dạo, chạy bộ, yoga. Khi vận động, cơ thể sẽ tiết ra các hoóc-môn tự nhiên như endorphin và serotonin giúp giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe tinh thần của bạn.

Một số liệu pháp bạn có thể thực hành để quản lý căng thẳng có thể kể đến như: hít thở sâu, nghe âm thanh từ thiên nhiên, đọc sách… Chúng rất có ích trong trường hợp bạn bị căng thẳng trong ngắn hạn.

Nếu nhận thấy các nguyên nhân gây căng thẳng không được giải quyết trong thời gian dài, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân trong gia đình hoặc bạn bè, những người lớn tuổi có thể có nhiều kinh nghiệm để bạn học hỏi và tìm cách giải phóng khỏi căng thẳng.

Bạn đang rơi vào tình huống nào khiến mình bị căng thẳng? Hãy để lại bình luận về bài viết hoặc chia sẻ vấn đề của bạn bên dưới. Tài rất muốn lắng nghe chia sẻ từ bạn.

Nguyễn Tấn Tài

Nguyễn Tấn Tài

Xin chào! Mình là Tài, người lập ra blog này để chia sẻ đến bạn những câu chuyện liên quan đến chạy bộ, đạp xe, bơi lội... Mình hoàn thành cự ly Marathon 42,195 km đầu tiên vào năm 2021. Tìm hiểu thêm về Tài tại đây. Hãy để lại ý kiến cũng như đánh giá về bài viết nếu có thể bạn nhé! Cảm ơn bạn rất nhiều!

Bài viết liên quan:

Bình luận của bạn