Stress hay căng thẳng là một trạng thái tâm lý thường gặp mà ai cũng sẽ trải qua. Với mức độ vừa phải và trong ngắn hạn, căng thẳng có thể thúc đẩy bạn đạt được mục tiêu và giúp bạn hoàn thành nhiệm vụ hiệu quả hơn.
Nhưng căng thẳng quá nhiều có thể gây hại cho sức khỏe. Khi bạn cảm thấy căng thẳng trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng liên tục, căng thẳng có thể gây ra những thay đổi trong cơ thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể về thể chất, tinh thần và cảm xúc.
Mặc dù căng thẳng và trầm cảm có một số điểm tương đồng, nhưng trầm cảm là một tình trạng nghiêm trọng và kéo dài hơn, đòi hỏi những phương pháp điều trị phù hợp. Bài viết này sẽ giúp bạn trả lời được câu hỏi “stress và trầm cảm có giống nhau không?”.
Stress là gì?
Stress hay căng thẳng thể hiện qua những phản ứng từ thể chất, tinh thần và cảm xúc với những tình huống xảy ra trong đời sống hàng ngày, ví dụ như áp lực trong công việc, các vấn đề trong gia đình, một cuộc phỏng vấn, chuẩn bị cho bài kiểm tra…
Khi đối phó với những tình huống này, cơ thể sẽ tạo ra một phản ứng sinh lý nhằm cung cấp năng lượng cần thiết để đối mặt với căng thẳng.
Không giống như trầm cảm, căng thẳng không phải là kết quả của các yếu tố tiêu cực như bi quan và thiếu tự tin. Đó có thể là kết quả của việc bạn phải làm việc quá sức, không đủ thời gian để hoàn thành công việc hoặc một tình huống khiến bạn cảm thấy bị áp lực.
Một số triệu chứng liên quan đến căng thẳng như bạn có thể bị mất ngủ, nhức đầu, tim đập nhanh, đau dạ dày, hay quên, lo lắng…
Phản ứng với căng thẳng với mức độ nhỏ có thể sẽ tốt cho bạn vì chúng cung cấp sức mạnh để bạn tập trung vào công việc và xử lý nhanh nhạy với những tình huống bất ngờ.
Tuy nhiên, nếu tình trạng căng thẳng xảy ra thường xuyên và kéo dài theo thời gian, các hoóc-môn căng thẳng sẽ nhiều hơn bình thường và có thể dẫn đến các vấn đề đối với sức khỏe, chẳng hạn như làm suy yếu hệ miễn dịch và các vấn đề về tim.
Do đó, căng thẳng không phải là một tình trạng sức khỏe tâm thần. Nó chỉ xảy ra khi có các tác nhân từ bên ngoài cụ thể và rõ ràng. Căng thẳng thường được giải quyết khi các sự kiện trong cuộc sống thay đổi. Tuy nhiên, căng thẳng kéo dài có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần như lo lắng và trầm cảm nếu không được điều trị.
Bài viết liên quan: Stress là gì? Nguyên nhân, tác hại và cách điều trị
Trầm cảm là gì?
Trầm cảm là việc thay đổi tâm trạng gây ra bởi sự mất cân bằng sinh hóa. Trầm cảm xuất hiện thông qua các triệu chứng tinh thần không giống như trong trường hợp căng thẳng. Tuy nhiên, nhiều người thường hay nhầm lẫn và khó phân biệt stress và trầm cảm.
Trầm cảm chủ yếu là kết quả của sự thiếu tự tin, bi quan và các yếu tố tiêu cực khác. Một số triệu chứng nguy hiểm trong trường hợp trầm cảm có thể kể đến như lạm dụng rượu bia, ma túy hoặc có ý định tự tử.
Hay quên, lo lắng, buồn bã, tức giận, khóc hay tự cô lập bản thân cũng được thể hiện đối với người bị trầm cảm. Mặc dù những dấu hiệu này cũng được nhìn thấy trong căng thẳng nhưng thường sẽ không gây ra những hậu quả nguy hiểm như khi trầm cảm.
Mặt khác, các nhà tâm lý học đã phát hiện ra rằng các triệu chứng trong trường hợp trầm cảm thường kéo dài rất lâu và cũng là lý do trầm cảm tác động tiêu cực đến cuộc sống. Điều này cho thấy rằng trầm cảm rất khác so với căng thẳng và không nên được coi là như nhau.
Điểm giống nhau
Mặc dù stress và trầm cảm là khác nhau nhưng chúng vẫn có một số điểm tương đồng. 2 thuật ngữ này thường được sử dụng bởi lớp trẻ vì người trẻ thường phải đối mặt với nhiều căng thẳng áp lực từ công việc và cuộc sống. Dưới đây là những điểm giống nhau giữa 2 trạng thái tâm lý này:
- Xảy ra ở cá nhân (nguyên nhân gây ra căng thẳng hoặc trầm cảm là khác nhau ở mỗi người).
- Ảnh hưởng đến mức năng lượng và tâm trạng của bạn, khó ngủ hoặc mất ngủ, thói quen ăn uống có thể bị xáo trộn (ăn quá ít hoặc quá nhiều).
- Bạn có thể cáu kỉnh và ít quan tâm hơn đến việc giao tiếp với bạn bè và gia đình.
- Bạn có thể không tập trung được hoặc khó tập trung hơn.
- Ảnh hưởng đến cơ chế phản ứng với căng thẳng của cơ thể (lo lắng, hay quên…).
- Cả hai đều ảnh hưởng đến não theo những cách tương tự.
Dấu hiệu nhận biết
Căng thẳng là một phần bình thường của cuộc sống. Căng thẳng ở mức độ nhỏ có thể có lợi, nhưng căng thẳng quá mức có thể dẫn đến tăng cân, huyết áp cao, thậm chí là bệnh tim. Một số dấu hiệu cảnh báo để bạn nhận biết khi nào cơ thể đang trải qua quá nhiều căng thẳng bao gồm:
- Khả năng tập trung kém trong công việc.
- Khó ngủ hoặc mất ngủ.
- Cảm thấy áp lực.
- Bạn thường hay quên.
- Thay đổi thói quen ăn uống.
- Cảm thấy tức giận hoặc cáu kỉnh.
- Thường xuyên bị bệnh.
- Nhức đầu và đau nhức cơ khớp.
Trầm cảm là một tình trạng sức khỏe tâm thần được đặc trưng bởi cảm giác buồn bã và mất hứng thú với các hoạt động thương ngày. Chẩn đoán trầm cảm thường được đưa ra khi một người trải qua tâm trạng chán nản và phần lớn các triệu chứng sau đây trong ít nhất hai tuần:
- Cảm thấy buồn và tuyệt vọng.
- Mất hứng thú với sở thích và hoạt động thường ngày.
- Tức giận và khó chịu.
- Ăn nhiều hoặc ít hơn bình thường.
- Ngủ nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường.
- Thiếu năng lượng và động lực.
- Cảm thấy bồn chồn, kích động và cáu kỉnh.
- Cảm thấy tồi tệ về bản thân hoặc cảm thấy tội lỗi.
- Có ý định tự tử.
Thời gian và tần suất
Dựa vào tần suất và thời gian, có thể chia căng thẳng thành 3 loại bao gồm: căng thẳng cấp tính, căng thẳng cấp tính từng đợt và căng thẳng mãn tính.
Căng thẳng cấp tính
Căng thẳng cấp tính (diễn ra trong ngắn hạn) là loại căng thẳng mà bạn thường gặp nhất trong cuộc sống hàng ngày, đây là loại căng thẳng xảy ra với tất cả mọi người.
Căng thẳng cấp tính đến nhanh và cũng qua đi nhanh chóng, đó có thể là một cuộc tranh cãi gay gắt với đồng nghiệp hoặc bạn cảm thấy áp lực để chuẩn bị cho một kỳ thi quan trọng.
Trong tất cả các loại căng thẳng, căng thẳng cấp tính thường ít gây ra tác động tiêu cực nhất vì chúng thường qua đi nhanh chóng. Tuy nhiên, trong những tình huống đặc biệt (hiếm khi), căng thẳng loại này có thể ảnh hưởng đến tâm lý cực kỳ nghiêm trọng. Chẳng hạn như gặp phải một tình huống bị đe dọa đến tính mạng, điều này có thể dẫn đến chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD).
Bạn có thể làm giảm căng thẳng cấp tính bằng cách thực hiện các bài tập hít thở sâu, thực hiện một số động tác kéo dãn cơ, thiền định, nghe âm thanh từ thiên nhiên để thư giãn… Rèn luyện thói quen vận động hàng ngày như đi bộ, chạy bộ cũng là cách để giảm thiểu tác động của căng thẳng về lâu dài.
Đừng bỏ qua: 14 lợi ích của chạy bộ đối với sức khỏe cơ thể
Căng thẳng cấp tính từng đợt
Cảm giác lo lắng về những điều bạn cho rằng sẽ xảy ra với bạn gây ra loại căng thẳng này. Bạn có cảm giác tiềm ẩn rằng một điều gì đó khủng khiếp sắp xảy ra trong cuộc sống của bạn.
Những cá nhân có xu hướng tiêu cực và bi quan về cuộc sống, con người và những thứ xung quanh, thậm chí là chính bản thân họ thường bị căng thẳng cấp tính từng đợt.
Trong hầu hết các tình huống, họ luôn nghĩ đến kết quả xấu nhất sẽ xảy đến. Loại căng thẳng này có thể phát triển thành các triệu chứng và bệnh tật về thể chất nếu không được điều trị phù hợp.
Bạn có thể kiểm soát loại căng thẳng này bằng cách thực hiện những thay đổi trong lối sống và suy nghĩ, tham gia các hình thức vận động và thay đổi chế độ ăn uống.
Nếu tình hình nghiêm trọng hơn, bạn có thể tìm một chuyên gia trị liệu để có thể thay đổi suy nghĩ và quan điểm của bạn sang những góc nhìn tích cực hơn về cuộc sống.
Khi một ý nghĩ tiêu cực nảy sinh trong đầu bạn, hãy tìm ra những bằng chứng để phản biện lại suy nghĩ đó của chính mình. Làm như vậy sẽ giúp điều chỉnh lại bộ não thành suy nghĩ tích cực để bạn có một đời sống tinh thần hạnh phúc hơn.
Căng thẳng mãn tính
Căng thẳng mãn tính (căng thẳng kéo dài) là điều mà hầu như tất cả chúng ta đều trải qua và có thể dẫn đến mệt mỏi về tinh thần hoặc kiệt sức nếu không được kiểm soát tốt.
Nguyên nhân gây ra căng thẳng loại này có thể đến từ những vấn đề liên quan đến công việc, tài chính hoặc các mối quan hệ. Ví dụ như bạn phải làm một công việc mà mình không hài lòng vì mức lương thấp, không yêu thích công việc đang làm hoặc mối quan hệ giữa bạn với vợ (hoặc chồng) đang bị rạn nứt.
Căng thẳng mãn tính không được can thiệp kịp thời có thể dẫn đến những căn bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa, bệnh tim, đột quỵ, thậm chí là gây ra chứng trầm cảm.
Loại căng thẳng này không dễ điều trị và khắc phục như căng thẳng cấp tính. Nếu bạn biết rõ nguyên nhân khiến bạn căng thẳng, hãy tìm cách giải quyết những vấn đề đó. Lời khuyên từ người thân hoặc những người từng mắc phải vấn đề giống như bạn có thể hữu ích trong trường hợp này.
Đừng bỏ lỡ: 14 cách giảm stress trong công việc và cuộc sống cực kỳ hiệu quả
Trầm cảm là một hiệu ứng lâu dài
Không giống như căng thẳng, trầm cảm ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và tinh thần. Do đó, điều trị chứng trầm cảm cũng khó khăn và mất nhiều thời gian hơn so với căng thẳng.
Chứng trầm cảm của bạn kéo dài bao lâu tùy thuộc vào các yếu tố liên quan đến lối sống và liệu bạn có được điều trị kịp thời hay không. Nó có thể kéo dài trong vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí là nhiều năm.
Tác động tiêu cực của trầm cảm kéo dài có thể là bởi mọi người cho rằng cảm giác chán nản là bình thường khi họ đang điều trị một căn bệnh mãn tính khác. Các triệu chứng trầm cảm như mệt mỏi, kém ăn, giảm khả năng tập trung hay mất ngủ cũng là những đặc điểm chung của các bệnh lý mãn tính. Điều này khiến bạn khó xác định xem những triệu chứng này là do trầm cảm hay do bệnh lý có từ trước.
Để được chẩn đoán mắc chứng rối loạn trầm cảm, bạn phải trải qua ít nhất 5 triệu chứng trầm cảm trong ít nhất hai tuần. Các triệu chứng bao gồm ít quan tâm đến hầu hết các hoạt động bạn từng thích, cảm thấy vô giá trị hoặc tội lỗi, cảm thấy mệt mỏi bất thường và thiếu năng lượng…
Một số cuộc khảo sát cũng cho thấy có ít nhất một nửa số người từng trải qua chứng trầm cảm bị tái phát một hoặc nhiều lần trong đời.
Mức độ nghiêm trọng
Căng thẳng mãn tính gây hại cho sức khỏe và làm tăng nguy cơ mắc các căn bệnh liên quan đến tim, rối loạn lo âu và trầm cảm. Vì thế, bạn hãy giảm thiểu căng thẳng mãn tính trong đời sống hàng ngày càng nhiều càng tốt để bảo vệ sức khỏe tổng thể.
Tuy nhiên, bạn cũng cần nhớ rằng căng thẳng không giống như một số tình trạng rối loạn sức khỏe tâm thần như lo lắng và trầm cảm, cần được điều trị từ các chuyên gia y tế. Bạn hoàn toàn có thể chủ động để giải tỏa căng thẳng trong công việc, học tập và cuộc sống bằng những liệu pháp đơn giản.
Trầm cảm là một căn bệnh nghiêm trọng, cần phát hiện và có những phương pháp can thiệp kịp thời. Những dấu hiệu của trầm cảm cũng thường dễ bị bỏ qua, đây là cách mà căn bệnh này dần tàn phá tinh thần và khiến bạn kiệt quệ theo thời gian. Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp tự tử vì căn bệnh này.
Điều trị trầm cảm thường khó khăn hơn nhưng không có nghĩa là không có cách. Nhiều phương pháp có thể sử dụng để giúp điều trị và giảm các triệu chứng cũng như giảm nguy cơ tái phát của căn bệnh này. Nếu tình hình nghiêm trọng hơn, hãy tìm đến các chuyên gia tâm lý để có giải pháp và ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc.
Stress và trầm cảm có giống nhau không?
Căng thẳng và trầm cảm có thể khó phân biệt vì chúng có liên quan với nhau. Trong trường hợp bị căng thẳng quá mức hoặc căng thẳng kéo dài, bạn có thể cảm thấy chán nản và mất đi sự tự tin, khiến bạn nghĩ rằng mình đang bị trầm cảm.
Hoặc nếu căng thẳng mãn tính không được điều trị, nó có thể khiến bạn suy sụp tinh thần và dẫn đến các hành vi tiêu cực. Nếu các triệu chứng căng thẳng như vậy tiếp tục đủ lâu, thì trầm cảm có thể là kết quả cuối cùng. Bởi vì căng thẳng kéo dài thường gây ra lo lắng, và bản thân lo lắng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chứng trầm cảm.
Một số căng thẳng nghiêm trọng như ly hôn, mất người thân hoặc thay đổi tài chính lớn là một tác nhân gây căng thẳng, và nó khiến tâm lý của bạn mất cân bằng. Nếu mức độ căng thẳng vẫn cứ tiếp tục và ngày càng lớn, rất có thể trầm cảm sẽ xảy đến.
Mối quan hệ giữa căng thẳng và trầm cảm tác động theo cả hai chiều, căng thẳng có thể là nguyên nhân gây ra trầm cảm và ngược lại, và cả hai khiến cho tình trạng của bạn ngày càng trở nên tệ hơn.
Lời kết
Khi đọc xong bài viết này, chắc chắn bạn sẽ trả lời được câu hỏi “stress và trầm cảm có giống nhau không?”. Stress và trầm cảm có thể giống nhau ở một số triệu chứng, nhưng về bản chất thì khác nhau. Trầm cảm tác động đến cơ thể trong thời gian dài và cũng khó điều trị hơn, hậu quả của chứng trầm cảm nặng cũng nghiêm trọng hơn.
Bởi vì căng thẳng kéo dài có thể gây ra trầm cảm, nên bạn cần có những phương pháp để ngăn chặn hoặc làm giảm căng thẳng. Đối với những căng thẳng cấp tính thường ngày, bạn có thể dễ dàng kiểm soát chúng bằng cách thực hiện các bài tập hít thở sâu, tránh xung đột giữa các cá nhân, đọc sách hoặc nghe nhạc cũng giúp đầu óc bạn được thư giãn.
Ngoài ra, bạn nên dành thời gian để tham gia vào các hoạt động thể chất hàng ngày như đi bộ, chạy bộ, tập yoga… Chạy bộ không chỉ làm giảm căng thẳng mà còn có nhiều lợi ích khác đối với sức khỏe tổng thể của bạn.
Bạn có cảm thấy khó phân biệt giữa trầm cảm và căng thẳng hay không? Hãy để lại ý kiến của mình bên dưới phần bình luận!