Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường phải đối mặt với nhiều tình huống và sự kiện khác nhau. Bạn suy nghĩ cách để giải quyết một vấn đề khó khăn hoặc phải xử lý nhiều việc cùng lúc ở nơi làm việc. Trên đường di chuyển, bạn phải đối mặt với tình trạng kẹt xe, khói bụi và những tình huống nguy hiểm. Áp lực về tài chính và các khoản chi tiêu để chăm lo con cái và gia đình… Tất cả những trải nghiệm này gây áp lực lên tâm lý của bạn mà chúng ta gọi là stress. Vậy stress là gì?
Stress là gì?
Stress hay căng thẳng là một trạng thái tâm lý bị áp lực bởi các yếu tố liên quan đến thể chất, cảm xúc hoặc tinh thần. Một cơn đau ở lưng, một tin buồn hoặc áp lực công việc cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn bị stress.
Trong đời sống hiện đại ngày nay, stress dường như xảy ra đối với hầu hết mọi người và đó cũng là phản ứng rất bình thưởng của cơ thể.
Trên thực tế, phản ứng với stress chính là cách mà cơ thể thích nghi với những tình huống mới. Stress có thể thay đổi bạn theo hướng tích cực bằng cách giúp bạn tập trung và tỉnh táo hơn, sẵn sàng đối phó với những tình huống nghiêm trọng có thể xảy ra.
Ví dụ khi bạn sắp có một bài kiểm tra quan trọng, phản ứng với stress có thể giúp bạn học tập chăm chỉ hơn và tập trung hơn.
Nhưng nếu các tác nhân gây stress tiếp tục trong thời gian dài mà không giảm bớt hoặc bạn không thể giải quyết được vấn đề đang gặp phải, đó là lúc stress đang tác động đến tâm lý theo hướng tiêu cực.
Căng thẳng có thể kích hoạt hàng loạt phản ứng của cơ thể, một số hoóc-môn như adrenaline và cortisol được giải phóng. Điều này làm tăng nhịp tim, làm chậm quá trình tiêu hóa, tăng lượng máu đến các nhóm cơ chính và thay đổi các chức năng thần kinh tự chủ khác nhau, giúp cơ thể tràn đầy năng lượng và sức mạnh.
Nếu một người bị căng thẳng trong thời gian dài (mãn tính), việc tiếp tục kích hoạt phản ứng với căng thẳng sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, biểu hiện ra ngoài bởi các triệu chứng về thể chất, cảm xúc và hành vi.
Stress hay căng thẳng về cơ bản có thể chia làm hai loại, đó là căng thẳng cấp tính và căng thẳng mãn tính:
- Căng thẳng cấp tính: Là một loại căng thẳng rất ngắn hạn, có thể mang lại tác động tích cực hoặc tiêu cực, đây là loại căng thẳng mà chúng ta thường gặp nhất trong cuộc sống hàng ngày.
- Căng thẳng mãn tính: Là tình trạng căng thẳng kéo dài mà bạn dường như rất khó tránh khỏi, ví dụ như căng thẳng về một cuộc hôn nhân không hạnh phúc hoặc một công việc mà bạn không hài lòng. Căng thẳng mãn tính cũng có thể xuất phát từ những trải nghiệm đau thương thời thơ ấu.
Nguyên nhân gây stress
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng stress, một số tác nhân phổ biến có thể kể đến như công việc, tài chính, các mối quan hệ và những bất tiện trong cuộc sống hàng ngày.
Một số nguyên nhân gây ra stress liên quan đến công việc như:
- Đảm nhiệm những công việc khó hoặc làm quá nhiều việc cùng một lúc.
- Làm việc tăng ca nhiều giờ liên tục trong tuần.
- Công việc không đảm bảo cơ hội thăng tiến hoặc nguy cơ bị chấm dứt hợp đồng.
- Không hài lòng về mức lương hoặc chế độ ở nơi làm việc.
- Làm việc trong điều kiện nguy hiểm.
- Phải phát biểu hoặc thuyết trình trước đồng nghiệp và cấp trên.
- Bị phân biệt đối xử hoặc bị quấy rối tại nơi làm việc.
Stress cũng có thể đến từ những vấn đề hoặc sự kiện đặc biệt xoay quanh cuộc sống của bạn, có thể kể đến như:
- Bị mất việc làm hoặc không thể tạo ra nguồn thu nhập ổn định.
- Gánh nặng tài chính với nhiều khoản chi tiêu và giá cả leo thang.
- Chuẩn bị kết hôn, ly hôn hoặc chia tay với người yêu.
- Nỗi đau mất mát người thân.
- Bị mắc bệnh hoặc bị chấn thương.
- Các vấn đề về cảm xúc như trầm cảm, lo lắng, tức giận, đau buồn…
- Những biến cố trong cuộc sống như thiên tai, trộm cắp, bị bạo lực hoặc bị phân biệt đối xử.
Có thể thấy stress hay căng thẳng có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng nhìn chung bạn sẽ bị căng thẳng khi:
- Cảm thấy có nhiều áp lực.
- Đối mặt với những thay đổi lớn trong cuộc sống.
- Đang lo lắng về điều gì đó.
- Đối mặt với tình huống nguy hiểm.
- Không thể kiểm soát hay có kinh nghiệm trong một tình huống nào đó.
- Đảm nhận những trách nhiệm mà bạn cảm thấy quá sức.
Một số tình huống đối với người khác là bình thường nhưng bạn lại cảm thấy căng thẳng, điều này là do tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi những trải nghiệm khác nhau trong quá khứ.
Ví dụ trong ngày đầu nhận việc, cấp trên giao một nhiệm vụ mà bạn đánh giá là rất khó để hoàn thành, nhưng đối với người từng làm nhiều lần thì việc đó là quá dễ vì họ đã có kinh nghiệm. Tình huống này có thể khiến bạn bị stress vì cảm thấy công việc là quá sức đối với khả năng của bản thân.
Những sự kiện vui vẻ và hạnh phúc đôi khi cũng là tác nhân gây nên stress. Ví dụ như bạn chuẩn bị kết hôn hoặc sắp trở thành bậc cha mẹ.
Những sự kiện đặc biệt có thể mang lại những thay đổi lớn vì đây là lần đầu tiên và bạn sẽ phải có những trách nhiệm mới. Do vậy, bạn vẫn có thể cảm thấy rất căng thẳng trong những tình huống này.
Tác hại của căng thẳng và stress đối với sức khỏe
Khi bạn ở trong một tình huống căng thẳng, bạn có thể nhận thấy nhịp tim của mình đập nhanh hơn, nhịp thở cũng gấp hơn, cơ bắp căng cứng và bạn có thể đổ mồ hôi. Loại căng thẳng này là ngắn hạn và tạm thời (căng thẳng cấp tính) và cơ thể của bạn thường phục hồi nhanh chóng sau nó.
Nhưng nếu phản ứng với căng thẳng tiếp tục được kích hoạt trong một thời gian dài (căng thẳng mãn tính), nó có thể dẫn đến hoặc làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe của bạn. Sự gia tăng liên tục của các hoóc-môn căng thẳng có thể khiến cơ thể bạn bị hao mòn, lão hóa nhanh hơn và dễ mắc bệnh hơn.
1. Hệ hô hấp và tim mạch
Trong khi cơ thể phản ứng với căng thẳng, bạn sẽ thở nhanh hơn để phân phối lượng máu giàu oxy đến các cơ quan cần thiết. Nếu bạn đã từng gặp các vấn đề liên quan đến hô hấp như hen suyễn hoặc dị ứng, căng thẳng có thể khiến bạn cảm thấy khó thở hơn.
Tim của bạn cũng đập nhanh hơn để bơm máu đi khắp cơ thể, hoóc-môn căng thẳng làm cho các mạch máu bị co lại và chuyển hướng cung cấp nhiều oxy hơn đến các cơ của bạn. Do đó, bạn sẽ có nhiều sức mạnh và năng lượng để đối phó với tình huống, nhưng điều này cũng làm tăng huyết áp của bạn.
Căng thẳng và stress thường xuyên hoặc mãn tính sẽ khiến tim của bạn phải làm việc quá sức trong thời gian dài. Khi huyết áp của bạn tăng, nguy cơ bị đột quỵ hoặc đau tim cũng tăng theo.
2. Hệ tiêu hóa
Khi bị căng thẳng, gan của bạn sẽ sản xuất thêm lượng đường (glucose) trong máu để tăng cường năng lượng cho bạn. Nếu bạn bị căng thẳng trong thời gian dài, cơ thể có khả năng không thích nghi kịp với lượng glucose tăng thêm này. Do vậy, căng thẳng mãn tính có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường.
Hệ tiêu hóa cũng có thể bị rối loạn vì sự tăng vọt của hoóc-môn, nhịp tim và nhịp thở tăng nhanh. Bạn có thể gặp các vấn đề liên quan đến dạ dày như bị ợ chua hoặc trào ngược axit do sự gia tăng axit trong dạ dày.
Căng thẳng cũng có thể ảnh hưởng đến cách thức ăn di chuyển trong cơ thể của bạn, dẫn đến tình trạng bị tiêu chảy hoặc táo bón. Bạn cũng có thể bị buồn nôn, nôn mửa hoặc đau bụng.
3. Hệ cơ
Cơ bắp của bạn sẽ căng lên khi bạn căng thẳng, đây là bản năng tự nhiên của cơ thể nhằm cố gắng bảo vệ mình khỏi đau đớn hoặc thương tích, chúng có xu hướng thư giãn trở lại khi trạng thái căng thẳng qua đi.
Nhưng nếu ban thường xuyên bị căng thẳng, các cơ sẽ không có đủ thời gian để được thư giãn, cơ thể có thể phản ứng theo những cách khác khiến bạn bị đau nửa đầu hoặc đau cổ và vai mãn tính. Theo thời gian, cơn đau này thậm chí có thể phát triển thành rối loạn cơ xương khớp.
4. Hệ thống miễn dịch
Nếu bạn bị căng thẳng trong ngắn hạn, phản ứng của cơ thể với trạng thái căng thẳng có thể là dấu hiệu tốt. Căng thẳng có thể kích thích hệ thống miễn dịch giúp bạn tránh nhiễm trùng và chữa lành vết thương.
Nhưng theo thời gian, các hoóc-môn căng thẳng sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bạn và làm giảm phản ứng của cơ thể đối với những tác nhân gây hại từ bên ngoài.
Những người bị căng thẳng mãn tính dễ mắc các bệnh do vi rút như cúm, cảm lạnh thông thường cũng như các bệnh nhiễm trùng khác. Căng thẳng cũng có thể kéo dài thời gian hồi phục sau bệnh tật hoặc chấn thương.
5. Hệ sinh sản
Căng thẳng gây ra cảm giác mệt mỏi và suy giảm sức khỏe tổng thể, căng thẳng cũng là nguyên nhân làm giảm ham muốn đối với chuyện chăn gối. Mặc dù căng thẳng trong thời gian ngắn có thể khiến nam giới sản xuất nhiều nội tiết tố nam testosterone hơn, nhưng tác động này không kéo dài.
Mức testosterone của phái mạnh có thể bắt đầu giảm xuống nếu phải đối mặt với căng thẳng trong thời gian dài. Điều này có thể cản trở quá trình sản xuất tinh trùng và gây ra chứng rối loạn cương dương hoặc liệt dương.
Căng thẳng mãn tính cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cho các cơ quan sinh sản của nam giới như tuyến tiền liệt và tinh hoàn. Đối với phụ nữ, căng thẳng có thể làm kinh nguyệt không đều hoặc ảnh hưởng đến thời kỳ mãn kinh.
Đừng bỏ qua: 9 tác hại của căng thẳng stress đến sức khỏe cơ thể
Cách điều trị stress và căng thẳng
Mức độ và nguyên nhân gây stress ở mỗi người là khác nhau và đôi khi khó nhận biết, điều trị stress cần tập trung vào cách bạn phản ứng với tình huống bằng cách học hỏi và phát triển những kỹ năng trong cuộc sống. Thực hiện các liệu pháp giúp đầu óc và cơ thể thư giãn cũng là cách để bạn kiểm soát và ngăn ngừa căng thẳng.
1. Tham gia các hoạt động thể chất
Hoạt động thể chất có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ, điều đó góp phần giúp bạn quản lý căng thẳng tốt hơn. Các nghiên cứu cho thấy những người thường xuyên vận động dễ đi vào giấc ngủ và họ cũng ngủ sâu hơn, tạo điều kiện để cơ thể và não của bạn vào trạng thái nghỉ ngơi hoàn toàn.
Những hình thức vận động cũng có lợi cho tâm trạng của bạn, nó kích thích cơ thể tiết ra một số hoóc-môn như endorphin và endocannabinoids giúp ngăn chặn cơn đau, cải thiện giấc ngủ và giúp bạn an thần.
Chạy bộ là một cách đơn giản và hiệu quả để cơ thể tiết ra các loại hoóc-môn này, bạn sẽ có cảm giác phấn khích và tràn đầy năng lượng sau thời gian dài chạy bộ. Nhiều lợi ích của chạy bộ đối với sức khỏe đã được nghiên cứu và công nhận rộng rãi như: giúp bạn ngủ ngon hơn, cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư…
Bài viết liên quan: 14 lợi ích của chạy bộ đối với sức khỏe cơ thể
Những người thường xuyên hoạt động thể chất có xu hướng cảm thấy ít lo lắng hơn và suy nghĩ tích cực hơn về bản thân, điều đó rất có lợi cho tâm trí của bạn. Một số môn thể thao bạn có thể lựa chọn để giảm stress và căng thẳng như chạy bộ, đạp xe, bơi lội, yoga…
2. Chế độ ăn uống lành mạnh
Một chế độ ăn lành mạnh và tốt cho sức khỏe có thể giúp bạn làm giảm căng thẳng, cải thiện hệ thống miễn dịch và cũng tốt cho tâm trạng của bạn.
Bổ sung vào thực đơn hàng ngày của mình các loại thực phẩm từ thực vật như rau, củ, trái cây… Chúng chứa các chất chống oxy hóa giúp bảo vệ các tế bào chống lại tác động mà căng thẳng mãn tính gây ra. Đồng thời, tránh xa thực phẩm chế biến sẵn có chứa nhiều đường và chất béo.
Một số chất dinh dưỡng cũng có thể giúp giảm bớt tác động của căng thẳng lên cơ thể và tinh thần như vitamin C, magiê, axít béo omega-3. Hãy bổ sung các loại thực phẩm chứa các chất này như một phần của chế độ ăn uống cân bằng hàng ngày.
3. Hít thở sâu
Hít thở sâu là cách để kích hoạt khả năng thư giãn tự nhiên của cơ thể, cung cấp nhiều oxy lên não để làm dịu hệ thống thần kinh phụ trách việc làm giảm căng thẳng.
Thở bằng bụng hay còn gọi là thở bằng cơ hoành là một kỹ thuật giúp bạn hít thở sâu. Đặt một tay lên ngực và một tay lên bụng để cảm nhận và kiểm tra xem bạn có thực hiện đúng hay không.
Hít vào và thở ra bằng mũi, phần lớn lượng không khí lúc này sẽ đi xuống bụng và làm bụng bạn phình to ra hơn so với ngực, hít thở từ từ và nhẹ nhàng. Lặp lại động tác nhiều lần để giảm căng thẳng và giúp bạn bình tĩnh hơn.
4. Kết nối với mọi người
Hãy dành thời gian để trò chuyện trực tiếp với người thân hay bạn bè, những người luôn lắng nghe và chia sẻ cùng bạn. Khi bạn được nói ra những điều khiến mình bị stress và căng thẳng, cho dù có nhận được lời khuyên hay không thì bạn cũng đã giải tỏa được phần nào tâm trạng của mình.
Một số mẹo mà bạn có thể áp dụng trong một số tình huống như:
- Không tự tạo áp lực hoặc đảm nhận những công việc quá sức với bản thân.
- Chia sẻ gánh nặng và trách nhiệm với những người khác.
- Nghe các thể loại nhạc nhẹ và êm dịu hoặc nghe podcast để thư giãn.
5. Dành thời gian chăm sóc bản thân
Các nghiên cứu cho thấy những người biết tự chăm sóc bản thân cho thấy mức độ căng thẳng thấp hơn và chất lượng cuộc sống được cải thiện, trong khi việc thiếu tự tin về bản thân có khả năng gia tăng tình trạng căng thẳng của bạn.
Dành thời gian chăm sóc bản thân không chỉ làm giảm căng thẳng mà còn giúp bạn tự tin và có một cuộc sống lành mạnh hơn, đặc biệt đối với những người có xu hướng căng thẳng cao độ như y tá, bác sĩ, giáo viên…
Tự chăm sóc bản thân không cần phải cầu kỳ hay phức tạp, một số cách mà bạn có thể tham khảo như:
- Đi dạo bên ngoài.
- Tắm.
- Vận động cơ thể bằng cách chơi các môn thể thao.
- Tìm kiếm một sở thích và đam mê để thực hiện.
- Đọc một cuốn sách hay.
- Sử dụng các loại mùi hương hoặc tinh dầu để thư giãn cơ thể.
Đừng bỏ lỡ: 14 cách giảm stress trong công việc và cuộc sống cực kỳ hiệu quả
Lời kết
Stress là gì? Nguyên nhân và một số phương pháp điều trị stress đã được Tài chia sẻ trong bài viết này, đây là là một phản ứng tự nhiên và rất bình thường của cơ thể. Stress có thể có lợi đối với những tình huống xảy ra trong ngắn hạn, nó giúp bạn tập trung và tỉnh táo để vượt qua khó khăn hay những tình huống nguy hiểm.
Nhưng nếu tình trạng căng thẳng kéo dài như áp lực công việc hay khó khăn tài chính, stress sẽ tác động xấu đến sức khỏe, làm giảm khả năng phản ứng của hệ miễn dịch, suy giảm hệ tim mạch…
Ngoài cách làm giảm căng thẳng với việc tham gia các hình thức vận động cơ thể, hít thở sâu, ăn uống lành mạnh và điều độ… Bạn cần ngăn ngừa căng thẳng kéo dài bằng cách học những kỹ năng mới, tìm ra giải pháp để xử lý vấn đề trong công việc và cuộc sống.
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích, đừng quên để lại ý kiến hoặc góp ý ở mục bình luận bên dưới nhé!