10 nguyên nhân tăng cân đột ngột có thể bạn đang gặp phải

Facebook
Twitter
Email

Tăng cân nhanh chóng trong thời gian ngắn khiến nhiều người cảm thấy lo lắng vì không biết mình có đang gặp vấn đề hay một căn bệnh nào đó hay không. Tăng cân cũng tạo cảm giác mệt mỏi, nặng nề cho cơ thể, ảnh hưởng đến sức khỏe và là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Dù chỉ là một hành động, một thói quen nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến cân nặng của bạn. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để biết những nguyên nhân tăng cân đột ngột mà bạn có thể gặp phải.

1. Ăn quá nhiều

Ăn quá nhiều là nguyên nhân hàng đầu khiến cân nặng của bạn tăng lên và khó có thể kiểm soát. Đặc biệt là những thực phẩm nhiều dầu mỡ, không có chất dinh dưỡng, thậm chí là độc hại nhiều bữa trong ngày thay vì những loại hoa quả, rau xanh có lợi cho sức khỏe….

Mỗi ngày bạn cần thức ăn để bổ sung năng lượng cho các hoạt động như làm việc, học tập, chơi thể thao… Nhưng khi lượng thức ăn bạn tiếp nhận quá nhiều, cơ thể không tiêu thụ hết sẽ dẫn đến dư thừa calo.

Lượng calo dư thừa sẽ được tích trữ trong cơ thể dưới dạng chất béo. Khi có quá nhiều chất béo tích tụ sẽ gây ra tình trạng xơ vữa động mạch – tình trạng động mạch của bạn trở nên cứng và hẹp. Đồng thời làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.

Ăn nhiều bữa với những loại thức ăn không phù hợp, quá nhiều calo có thể khiến bạn trở nên béo phì. Hãy thay bữa ăn của bạn bằng những thực phẩm giàu chất xơ, protein kết hợp với chạy bộ giảm cân nhằm tránh những căn bệnh không mong muốn.

2. Bỏ bữa

Mọi người thường nghĩ chỉ ăn quá nhiều mới có thể dẫn đến tăng cân và cho rằng việc bỏ bữa sẽ giúp cân nặng của bạn giảm đi mà không biết rằng bỏ bữa là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc tăng cân đột ngột.

Bo-bua-co-the-khien-ban-tang-can
Bỏ bữa có thể khiến bạn tăng cân thay vì giảm cân

Khi bạn ăn quá nhiều, cơ thể không thể đốt cháy hết năng lượng có được khiến bạn tăng cân và ngược lại. Bỏ bữa ăn sẽ khiến chúng ta thiếu đi năng lượng để hoạt động, quá trình trao đổi chất của bạn chậm lại trong một thời gian khiến cơ thể không thể đốt cháy chất béo một cách hiệu quả.

Bỏ bữa khiến quá trình trao đổi chất chậm lại và tạo ra cảm giác đói. Điều này càng thúc đẩy bạn ăn nhiều hơn các loại thực phẩm chế biến nhanh với số lượng lớn khiến cân nặng gia tăng.

Vậy nên, nếu bạn muốn giảm cân, không nên lựa chọn bỏ bữa mà thay vào đó hãy chia nhỏ thành nhiều bữa ăn. Không thể bỏ qua bữa sáng vì nó có vai trò duy trì hoạt động cơ thể cả ngày. Nếu bạn không ăn để quá trình trao đổi chất diễn ra bình thường, bạn sẽ không thể giải phóng chất béo trong cơ thể.

Bỏ bữa làm giảm lượng đường trong máu khiến cho cơ thể không có đủ năng lượng và không thể làm việc hiệu quả. Sự thay đổi lượng đường trong máu cũng có thể gây cảm giác thèm đồ ngọt và khiến bạn ăn nhiều chất béo hơn.

Có thể bạn quan tâm: 11 dấu hiệu tăng cân dễ nhận biết để giảm cân kịp thời

3. Lười vận động

Làm việc trong văn phòng cả ngày, điện thoại và máy tính không thể rời tay, những thứ hấp dẫn khác trên mạng xã hội khiến bạn chỉ muốn ngồi hoặc nằm yên một chỗ để làm việc dẫn đến không hoạt động thể chất.

Một nghiên cứu với 464 người bị béo phì và thừa cân cho thấy thời gian trung bình họ ngồi mỗi ngày khoảng 6,2 giờ trong những ngày đi làm và 6 giờ trong những ngày nghỉ. Sau đó là các hoạt động giải trí, xem tivi và hầu hết không có thói quen vận động.

Luoi van dong la mot nguyen nhan gay tang can
Lười tập thể dục khiến cơ thể bạn nặng nề hơn

Những người ít vận động có nhiều khả năng tăng cân vì cơ thể họ đốt cháy ít calo hơn so với những người hoạt động nhiều. Nếu bạn không tập thể dục, không hoạt động nhiều, cơ thể sẽ bắt đầu tích trữ nhiều chất béo.

Những người lười vận động có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn 30 được cho là béo phì. Họ sẽ phải đối mặt với tình trạng ngưng thở khi ngủ, bệnh tim, cao huyết áp….

Để giảm cân và cải thiện sức khỏe, xây dựng thói quen vận động là một trong những điều không thể thiếu. Nếu bạn không thích các bài tập nhiều động tác, chuẩn bị nhiều loại dụng cụ hay tốn thêm chi phí để tập tại các phòng gym, chạy bộ có thể là lựa chọn phù hợp nhất với bạn. Một đôi giày chạy bộ cho người mới bắt đầu là tất cả những gì bạn cần cho hoạt động này.

4. Căng thẳng

Căng thẳng, lo lắng thường xuyên có thể ảnh hưởng đến cân nặng của bạn. Nồng độ hoóc-môn căng thẳng cortisol quá cao đã được chứng minh sẽ làm tăng cảm giác đói và thèm các món ăn nhiều calo gây tích tụ chất béo.

Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh, 43% người Mỹ trưởng thành có dấu hiệu của bệnh trầm cảm đều bị béo phì. Sự thay đổi nội tiết tố khi mỡ tích tụ và những lo lắng suy nghĩ kéo dài có thể khiến bạn tăng cân.

Những cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống hằng ngày, sự thờ ơ và lạnh nhạt càng thúc đẩy căng thẳng và bệnh trầm cảm. Nhiều người đã lựa chọn ăn uống theo cảm xúc của họ và không hoạt động thể chất để cố gắng vùi lấp sự lo lắng trong lòng. Tăng cân cũng có thể là tác dụng phụ của các loại thuốc chống căng thẳng và trầm cảm.

Vậy nên, nếu bạn không có những dấu hiệu stress căng thẳng thì việc giảm cân sẽ có thể sẽ dễ dàng hơn. Một nghiên cứu kéo dài 8 tuần ở 45 người bị béo phì cho thấy, những người không bị căng thẳng giảm cân hiệu quả hơn so với người luôn phải suy nghĩ, lo lắng. Vậy nên, bạn cần thư giãn, giải tỏa căng thẳng trước khi bước vào một chế độ giảm cân.

5. Không uống đủ nước

Cơ thể có khoảng 70% là nước để duy trì sự trao đổi chất và các chức năng khác. Ít tham gia các hoạt động thể chất làm chúng ta không cảm thấy khát hoặc uống ít nước đã trở thành thói quen mỗi ngày, điều này có thể khiến cơ thể bị mất nước.

Mất nước có thể tạo cho bạn cảm giác thiếu năng lượng và mệt mỏi. Bạn có xu hướng ăn nhiều hơn để bổ sung năng lượng nhưng không đạt hiệu quả mà còn khiến chất béo tích tụ. Uống ít nước cũng ngăn cản quá trình trao đổi chất của cơ thể.

Uong du nuoc moi ngay mang lai nhieu loi ich
Bạn nên xây dựng thói quen uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày

Mỗi ngày bạn nên uống ít nhất 2 lít nước vì nó luôn được sử dụng hết cho hoạt động trong vòng 24 giờ. Uống nhiều nước sẽ giúp bạn hạn chế cơn đói, hỗ trợ tuân thủ chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, tăng tốc độ trao đổi chất. Bên cạnh đó, nó cũng mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe và làm đẹp khác.

6. Không ngủ đủ giấc

Giấc ngủ giữ một vai trò quan trọng với con người như tái tạo năng lượng, giảm căng thẳng, thư giãn và phục hồi. Bởi vậy, khi chúng ta không ngủ đủ giấc có thể dẫn đến nhiều tình trạng sức khỏe tiêu cực. Những thay đổi trong giấc ngủ không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng mà còn thay đổi thói quen ăn uống và dẫn đến tăng cân.

Không ngủ đủ giấc gây rối loạn các hoóc-môn chịu trách nhiệm tạo cảm giác đói và no của cơ thể. Những người thiếu ngủ sẽ thèm ăn vào ban đêm, tiếp nhận nhiều calo hơn mức mà cơ thể cần dùng để hoạt động vào đêm. Do đó, lượng thức ăn còn lại sẽ trở thành chất béo làm cân nặng của bạn tăng lên.

Sự thay đổi cân nặng vì không ngủ đủ giấc có thể diễn ra trong một khoảng thời gian dài. Để ngăn việc mất ngủ dẫn đến ăn nhiều vào ban đêm, bạn cần tìm ra nguyên nhân mất ngủ, thiếu ngủ và giải quyết nó.

Đừng bỏ lỡ: 10 cách trị mất ngủ cho người trẻ đơn giản mà hiệu quả

7. Bạn mắc một căn bệnh

Nếu bạn đang có một chế độ ăn phù hợp và tập thể dục thường xuyên nhưng trọng lượng cơ thể đang dần tăng cao thì rất có thể là do bạn đang mắc một căn bệnh nào đó. Dưới đây là một số chứng bệnh có thể bạn đang gặp phải:

  • Hypothyroidism: Đây là tên gọi của bệnh suy giáp, là một dạng rối loạn chức năng tuyến giáp. Tuyến giáp là tuyến nội tiết có vai trò quan trọng cho sự sinh trưởng và phát triển của cơ thể. Vì vậy, khi tuyến giáp bị rối loạn có thể khiến bạn tăng cân hoặc khó giảm cân.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): Hội chứng này gây ra sự mất cân bằng nội tiết tố, ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ và cũng có thể khiến bạn không thể kiểm soát được cân nặng.
  • Rối loạn ăn uống (BED): Còn được gọi là ăn uống vô độ, là một loại rối loạn chế độ ăn uống nghiêm trọng, không thể kiểm soát được lượng thức ăn và các bữa ăn. Hậu quả của nó là người bệnh bị thừa cân hoặc mắc bệnh béo phì.
  • Bệnh tiểu đường và hội chứng Cushing – hội chứng rối loạn nội tiết và chuyển hóa cũng có thể là những nguyên nhân gây tăng cân.

Những căn bệnh và hội chứng ở trên có nhiều biểu hiện khác nhau nhưng không phải lúc nào cũng rõ ràng. Bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nhất tình trạng của cơ thể và có phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả.

Ngoài ra, một số loại thuốc bạn đang sử dụng cũng có thể khiến cân nặng của bạn tăng lên như thuốc điều trị co giật, đái tháo đường, cao huyết áp, trầm cảm và rối loạn tâm thần. Bạn cần trao đổi với bác sĩ trước khi muốn dừng thuốc hoặc muốn chuyển sang một loại thuốc khác.

8. Uống rượu nhiều

Bạn có thể thấy rằng phần lớn các loại rượu không có lợi cho sức khỏe, đặc biệt khi bạn bị nghiện rượu và không thể không sử dụng chúng mỗi ngày. Rượu cũng có thể gây tăng cân bằng nhiều cách khác nhau.

Uong qua nhieu ruou gay hai cho co the
Rượu sẽ gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể của bạn

“Calo rỗng”

Vì sao rượu lại chứa “calo rỗng”? Chúng ta dùng cách gọi như vậy bởi vì rượu không cung cấp nhiều dinh dưỡng cho cơ thể mặc dù nó là một nguồn năng lượng. Luôn có một lượng calo lớn trong đồ uống có cồn. Cũng như việc ăn quá nhiều, uống quá nhiều rượu sẽ hấp thụ nhiều calo ngăn cản quá trình giảm cân của bạn.

Hơn nữa, rượu không có nhiều chất dinh dưỡng mà còn đặt cơ thể vào trạng thái mệt mỏi hoặc thêm căng thẳng. Nó có thể dẫn đến nhiều căn bệnh khác nguy hiểm cho cơ thể. Nếu bạn đang lo lắng về cân nặng tăng lên, hãy tránh xa rượu hoặc chỉ uống có chừng mực và nghe theo lời khuyên của bác sĩ.

Uống rượu khiến bạn cảm thấy đói và tăng chất béo

Rượu có thể làm giảm lượng đường trong máu tạo nên cảm giác đói. Nó cũng làm bạn không được tỉnh táo và bạn không thể kiểm soát được mình đã ăn gì, bạn lại tiêu thụ những đồ ăn không lành mạnh và tăng cân.

Khi bạn uống rượu, cơ thể sẽ nhận ra nó là chất độc hại và dừng chuyển hóa các chất dinh dưỡng khác để đốt cháy rượu trước. Điều này có nghĩa là quá trình trao đổi chất không được thực hiện, chất béo tích tụ lại và khiến cân nặng của bạn tăng lên.

Nồng độ testosterone

Testosterone có vai trò quan trọng trong sự hình thành cơ bắp và tăng khả năng đốt cháy mỡ thừa. Khi nồng độ này giảm, cơ thể sẽ chậm chạp hơn trong hoạt động đốt cháy chất béo.

Nồng độ Testosterone thấp cũng có thể gây ra một số rối loạn hay còn được gọi là hội chứng chuyển hóa với các triệu chứng như: lượng đường trong máu cao, tăng cân, huyết áp cao…

Ngoài ra, rượu cũng có thể khiến chất lượng giấc ngủ của bạn không được đảm bảo dẫn đến mất cân bằng hoóc-môn tạo ra cơn đói ảnh hưởng đến trọng lượng của cơ thể.

9. Thức khuya

Thức khuya là một trong những nguyên nhân gây tăng cân ở nhiều bạn trẻ hiện nay. Nếu bạn thức khuya và buổi sáng cần thức dậy sớm để làm việc sẽ khiến cơ thể mệt mỏi. Điều này buộc cơ thể phải giải phóng hoóc-môn căng thẳng cortisol.

Cơ thể có nồng độ cortisol cao sẽ bắt đầu công việc tích trữ chất béo để chuyển hóa chúng thành năng lượng cho bạn tiếp tục làm việc. Tình trạng thức khuya càng kéo dài, chất béo trong cơ thể sẽ càng nhiều, đặc biệt nếu bạn không ngủ đủ 7-9 tiếng một ngày.

Rat nhieu nguoi co thoi quen thuc khuya xem dien thoai
Thức khuya đã trở thành thói quen của nhiều bạn trẻ

Những người thức khuya thường có xu hướng ăn đồ ăn nhanh, đồ ăn vặt chứa nhiều calo. Sự trao đổi chất vào ban đêm diễn ra chậm hơn so với ban ngày nên lượng calo bạn nạp vào lúc này sẽ trở thành chất béo tích tụ trong cơ thể.

Sức khỏe của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng nếu không có một nhịp sinh học hợp lý. Một thói quen ngủ tốt sẽ giúp bạn có cơ thể khỏe mạnh và không xuất hiện những dấu hiệu tăng cân.

10. Giai đoạn mãn kinh

Khi chuyển qua thời kỳ tiền mãn kinh – một vài năm trước khi chấm dứt chu kỳ kinh nguyệt, hầu hết phụ nữ không thể duy trì cân nặng như trước đây.

Bước vào giai đoạn mãn kinh, cơ thể sẽ sản xuất ngày càng ít estrogen – hoóc-môn nội tiết tố nữ và sau đó hầu như không còn sản xuất nữa. Nồng độ estrogen giảm dẫn đến tăng cân, đặc biệt là ở vùng hông và eo. Ngay cả những người trước đây gầy gò cũng có thể tăng mỡ bụng trong giai đoạn này.

Liệu pháp thay thế hoóc-môn có thể làm chậm quá trình tăng cân sau giai đoạn mãn kinh nhưng nó có thể gây ung thư nội mạc tử cung và cục máu đông. Bởi vậy, chúng ta nên sử dụng những phương pháp khác như ăn uống lành mạnh, xây dựng thói quen vận động thường xuyên, không uống rượu….

Lời kết

Nguyên nhân tăng cân đột ngột có thể xuất phát từ bên trong hoặc có sự tác động từ bên ngoài. Nhưng chủ yếu là do lối sống của bạn, ví dụ như không chịu vận động, uống quá nhiều rượu mỗi ngày, không uống đủ nước hoặc thức khuya để xem phim, chơi game, nghịch điện thoại.

Những thói quen xấu không chỉ khiến bạn trở nên béo phì mà còn tiềm ẩn những nguy cơ dẫn đến bệnh tim, bệnh tiểu đường, bệnh thận và nhiều biến chứng nguy hiểm.

Để giảm cân thì bạn phải thay đổi ngay thói quen sinh hoạt hiện tại. Đồng thời kết hợp một chế độ ăn khoa học, bắt đầu chạy bộ hoặc chơi các môn thể thao phù hợp với cơ thể. Cân nặng của bạn sẽ không chỉ giảm mà còn nâng cao sức khỏe tổng thể.

Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn tìm ra nguyên nhân gây tăng cân. Rất mong nhận được phản hồi và góp ý của bạn tại phần bình luận.

Nguyễn Tấn Tài

Nguyễn Tấn Tài

Xin chào! Mình là Tài, người lập ra blog này để chia sẻ đến bạn những câu chuyện liên quan đến chạy bộ, đạp xe, bơi lội... Mình hoàn thành cự ly Marathon 42,195 km đầu tiên vào năm 2021. Tìm hiểu thêm về Tài tại đây. Hãy để lại ý kiến cũng như đánh giá về bài viết nếu có thể bạn nhé! Cảm ơn bạn rất nhiều!

Bài viết liên quan:

Bình luận của bạn