Lựa chọn được một đôi giày chạy bộ ưng ý và phù hợp nhất là một nhiệm vụ không hề đơn giản, đặc biệt đối với những bạn mới bắt đầu. Đừng lo, bài viết sẽ cung cấp những thông tin cần thiết để bạn biết cách chọn giày chạy bộ phù hợp nhất với mình.
Có rất nhiều mẫu giày chay bộ với các tính năng, kiểu dáng và mức giá khác nhau ngoài thị trường hiện nay. Một đôi giày để chạy thoải mái hàng ngày với tốc độ chậm và cự ly ngắn sẽ có sự khác biệt với một đôi giày để tập luyện và chinh phục những cự ly từ 10 km đến marathon.
Tương tự vậy, một đôi giày để chạy ở vỉa hè công viên hoặc trên đường nhựa với một đôi giày chạy ở những con đường mòn hoặc đường đồi núi, nơi có địa hình ít bằng phẳng hơn cũng có những đặc điểm rất khác nhau.
Do đó, không phải đôi giày nào cũng phù hợp với bạn, một đôi giày chạy bộ phải mang lại cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng và giúp bạn di chuyển linh hoạt. Đồng thời, chúng phải phù hợp với mục đích sử dụng của bạn, qua đó mang lại hiệu quả tập luyện cũng như hạn chế những chấn thương.
Cấu tạo giày chạy bộ
Trước tiên, bạn cần tìm hiểu về cấu tạo giày chạy bộ. Giày chạy bộ được thiết kế với mục đích chính là để chạy nên mỗi thành phần đều có những đặc điểm riêng để bảo vệ đôi chân, giúp bạn chạy thoải mái và linh hoạt, hạn chế chấn thương… Tài sẽ giới thiệu những bộ phận chính cấu tạo nên một đôi giày chạy bộ bên dưới. Để tìm hiểu chi tiết hơn, bạn hãy đọc bài viết Giày chạy bộ là gì? Cấu tạo giày chạy bộ như thế nào?
#1. Đế ngoài
Đế ngoài nơi giày của bạn tiếp xúc với đường. Chúng thường được làm từ nhiều loại hợp chất cao su và được bố trí ở những vị trí quan trọng để tăng khả năng chống mài mòn, tăng độ bám đường, nâng cao độ nảy hoặc cải thiện tính linh hoạt của giày.
#2. Đế giữa
Đế giữa là lớp nằm ngay trên lớp đế ngoài, được cấu tạo từ những loại vật liệu rất đặc biệt với đặc tính là nhẹ, mềm mại và linh hoạt để mang lại cảm giác thoải mái trong quá trình chạy.
Một nhiệm vụ quan trọng của đế giữa là hấp thụ chấn động khi bạn đáp chân xuống đường, sau đó hoàn trả lực ngược lại để tạo đà đẩy người về phía trước. Đó cũng là sự khác biệt chính để phân biệt đâu là một mẫu giày chạy bộ hay giày thể thao thông thường.
#3. Phần thân giày
Phần thân trên bao bọc và ôm lấy bàn chân của bạn với mục đích bảo vệ và cố định bàn chân không bị lệch khỏi đế giày khi chạy.
Thân giày cũng được thiết kế để mang lại cảm giác thoải mái cho phép bàn chân cử động dễ dàng, nên chúng thường được làm từ các loại vải có độ co giãn cao và ôm chân tốt. Khả năng thoáng khí và thoát mồ hôi cũng phụ thuộc vào cấu tạo của lớp vải này.
Ngoài ra, trên thân giày còn có nhiều bộ phận khác đóng vai trò rất quan trọng của một đôi giày chạy bộ, có thể chia nhỏ hơn bao gồm: mũi giày, lưỡi gà, đệm lót gót giày, dây giày, miếng lót giày.
- Mũi giày: Mũi giày là phần trên phía trước, nơi chứa các ngón chân của bạn. Chúng thường được bao bọc bởi một miếng đệm được thiết kế để bảo vệ các ngón chân tránh bị ma sát dẫn đến đau hoặc bị phồng rộp. Bạn hãy tìm một đôi giày có phần mũi rộng và thoải mái, cho phép các ngón chân cử động linh hoạt và xòe ra một cách tự nhiên.
- Lưỡi gà: Lưỡi gà nằm ngay dưới dây giày và trên mu bàn chân của bạn, chúng được thiết kế để bảo vệ và cố định bàn chân không bị lệch khỏi đế giày trong quá trình chạy. Một đôi giày tốt sẽ có phần lưỡi gà chắc chắn và mang lại cảm giác thoải mái.
- Đệm lót gót giày: Được bố trí ngay sau gót chân của bạn, đệm lót gót giày có nhiệm vụ cố định gót chân không bị trượt và tránh bị tuột giày khi chạy. Đồng thời, nó còn đóng vai trò quan trọng đó là bảo vệ gân gót chân Achilles.
- Dây giày: Dây giày cố định chân bên trong thân giày, bạn có thể điều chỉnh dây giày kết hợp với lưỡi gà để thay đổi kích thước phù hợp với bàn chân của mình.
- Miếng lót giày: Miếng lót giày nằm ngay dưới bàn chân đem lại cảm giác êm ái và thoải mái. Miếng lót này cũng có tác dụng thấm hút mồ hôi, đặc biệt là trong những buổi chạy dài.
Cách chọn giày chạy bộ phù hợp với địa hình
Mặc dù các hãng giày hiện nay đã sản xuất được những đôi giày có thể chạy trên nhiều loại địa hình khác nhau, nhưng giá thành của chúng sẽ cao hơn nhiều so với các loại giày chuyên dùng.
Vì thế, phần lớn các đôi giày chạy bộ đều được thiết kế phù hợp với những loại địa hình cụ thể. Sẽ có 2 kiểu cơ bản mà chúng ta có thể phân loại, giày chạy đường trường và giày chạy trên đường mòn.
#1. Giày chạy bộ đường trường (giày chạy bộ đường dài)
Đường trường là những con đường nhựa, đường lát gạch trên vỉa hè công viên hoặc bề mặt trên máy chạy bộ, đây là loại địa hình phổ biến nhất dành cho dân chạy bộ. Với đặc điểm là tương đối bằng phẳng nhưng rất cứng, những mẫu giày phù hợp với loại địa hình này phải hấp thụ chấn động tốt để bảo vệ các khớp chân của bạn.
Hầu hết những loại giày chạy bộ hiện nay đều được trang bị các lớp đệm với những công nghệ tiên tiến để chạy tốt trên đường trường, vừa hấp thụ va đập vừa hoàn trả lực để hỗ trợ tối đa cho đôi chân. Ngoài ra, giày chạy đường trường có lớp đế ngoài trông phẳng hơn và mịn hơn.
Bạn cũng cần lưu ý khi chạy trên những con đường lát gạch hoặc trên những bề mặt nhẵn bóng, hãy lựa chọn những đôi giày có lớp đế ngoài bám đường tốt để tránh tình trạng trơn trượt, đặc biệt là khi trời mưa.
#2. Giày chạy đường mòn (giày chạy địa hình)
Đây là loại địa hình khá phức tạp với nhiều bề mặt bạn có thể gặp như: đất đá, sỏi, cỏ, rễ cây hoặc các chướng ngại vật khác. Những mẫu giày này phù hợp để chạy kết hợp với leo núi, hay còn gọi là chạy trail.
Đường chạy trail thường là ở nơi có đồi núi, nhiều cây xanh và không khí trong lành, cách xa những nơi có nhiều xe cộ và khói bụi. Tuy nhiên, khác với chạy đường dài, yếu tố thể lực và các kỹ thuật là khó hơn nhiều so với khi chạy trên đường trường.
Được thiết kế để chạy trên địa hình gồ ghề và không băng phẳng. Do đó, chúng được trang bị nhiều vấu lớn hơn ở lớp đế ngoài so với giày chạy đường trường để bám đường tốt hơn.
Đôi khi, giày chạy trên đường mòn còn được bổ sung thêm các tấm lót dưới chân để bảo vệ bàn chân của bạn khỏi đá hoặc các vật sắc nhọn. Lớp đệm ở đế giữa cũng thường cứng hơn để hỗ trợ chân tốt hơn.
Nếu bạn là người mới bắt đầu chạy bộ, Tài khuyên bạn hãy chạy trên những bề phẳng và cứng, điều này giúp bạn làm quen với các kỹ thuật chạy bộ. Một khi chạy đã trở thành thói quen và bạn có thể dễ dàng vượt qua những cự ly từ 20 km đến 42 km, lúc này chạy trail có thể là thử thách tiếp theo mà bạn hướng đến.
Bạn muốn chạy bền hay cải thiện tốc độ?
Để phân loại giày theo mục đích chạy, sẽ có 2 loại là giày chạy bộ là giày chạy bền và giày chạy đua. Giày chạy bền hỗ trợ để bạn chạy xa và bền bỉ hơn trong khi giày chạy đua cải thiện thành tích của bạn ở những quãng đường ngắn hơn.
#1. Giày chạy bền
Giày chạy bền thường được dùng để chạy hàng ngày, được thiết kế để chịu được mức độ sử dụng thường xuyên trong chu kỳ luyện tập và trong các cuộc đua đường dài. Để làm được điều đó, các thương hiệu giày đã nghiên cứu và chế tạo nên các loại vật liệu bền bỉ giúp duy trì tính năng của giày theo thời gian.
Tuổi thọ và độ bền càng cao đồng nghĩa với việc chúng có xu hướng nặng hơn. Đế ngoài được bao phủ bằng các loại cao su rất bền như cao su Continental, cao su carbon… lớp đệm cũng cứng và dày hơn.
Nhìn chung, giày chạy bền sẽ nặng hơn so với giày chạy đua thông thường, trong khi nhiều loại giày hướng tới khả năng cải thiện tốc độ có trọng lượng khá nhẹ.
#2. Giày chạy đua
Giày chạy đua được thiết kế nhẹ hơn để chạy nhanh hơn so với giày chạy bền hàng ngày. Các loại giày đua từ trước đến nay thông thường có ít đệm hơn và đôi khi sử dụng ít cao su ở lớp đế ngoài để giảm trọng lượng.
Bởi vì chúng có lớp đế mỏng và nhẹ hơn nên sẽ bị mòn nhanh hơn so với giày chạy bền hàng ngày. Bạn nên sử dụng loại giày này ít thường xuyên hơn, chủ yếu để cải thiện tốc độ và trong những cuôc đua chính thức.
Các hãng sản xuất hiện nay cũng đã nghiên cứu ra những mẫu giày đua có lượng đệm tương đương (thậm chí là nhiều hơn) một số đôi giày chạy bền hàng ngày nhưng trọng lượng lại nhẹ hơn. Tất nhiên là giá của chúng cũng cao hơn.
Một số lưu ý khi mua giày chạy bộ
#1. Mua giày chạy bộ vào cuối ngày
Bàn chân của chúng ta có xu hướng to hơn khi đến cuối ngày. Vì thế, nếu bạn mua một đôi giày vào buổi sáng, chúng có thể sẽ bị chật hơn khi bạn chạy bộ vào buổi tối. Tốt nhất là bạn nên thử giày sau khi kết thúc giờ làm để chắc chắn đôi giày sẽ vừa vặn và không khiến bạn bị đau chân khi chạy.
#2. Đừng mua giày chạy bộ vì vẻ bề ngoài
Tài khuyên bạn đừng nên chú trọng quá nhiều về mặt hình thức của một đôi giày nếu đã xác định sử dụng chúng để chạy bộ. Thay vào đó, bạn hãy tập trung vào cảm giác thoải mái, linh hoạt và phù hợp với đôi chân.
Chắc chắn là bạn không muốn mua một đôi giày chỉ để chạy được vài lần rồi sau đó cất vào góc vì chúng làm bạn khó chịu hay tệ hơn là bạn có thể dính những chấn thương liên quan đến các khớp. Tất nhiên, nếu bạn chọn được một mẫu giày vừa đẹp vừa phù hợp để chạy bộ thì quá tốt.
#3. Mua giày chạy bộ quá nhỏ
Khi mua những đôi giày đi lại thông thường, chúng ta thường chọn chúng với kích cỡ vừa khít với bàn chân. Tuy nhiên, bàn chân của bạn có xu hướng to lên khi chạy, có nghĩa là chân bạn sẽ bị chật nếu mua giày với size vừa khít.
Bạn có thể gặp tình trạng các ngón chân bị phồng rộp hoặc bị đen móng chân. Do vậy, bạn hãy tìm các mẫu giày có phần mũi (nơi chứa các ngón chân) có khoảng không gian rộng rãi và thoải mái để các ngón chân có thể cử động linh hoạt khi chạy.
Để đảm bảo kích cỡ giày phù hợp với chân, tốt nhất là nên đi thử giày hoặc chọn size lớn hơn một cỡ so với giày đi lại hàng ngày của bạn.
#4. Kích cỡ giày của mỗi hàng là khác nhau
Giống như khi mua quần áo, size M của hãng này có thể có kích cỡ không giống với size M của hãng kia. Giày chạy bộ cũng tương tự, nên bạn đừng nghĩ rằng kích thước giày có size 41 của Adidas sẽ giống với của Nike.
Bạn nên thử giày để biết kích cỡ phù hợp với bàn chân của mình hoặc có thể chọn size giày dựa vào bảng tra kích thước giày chạy bộ của mỗi hãng.
#5. Thử giày ở cả hai chân
Mặc dù không phổ biến nhưng có một số người có kích thước chân trái và chân phải là không bằng nhau. Trong trường hợp này, hãy đi thử giày hoặc đo kích thước ở cả hai chân và chọn đôi phù hợp với bàn chân lớn hơn của bạn.
#6. Mang tất khi thử giày
Tất có thể làm giày chật hơn so với bình thường, tốt nhất là bạn hãy mang tất và thắt dây giày chắc chắn khi thử giày để đảm bảo chúng phù hợp với bạn.
Cách đo size chân và bảng tra size giày chạy bộ của các hãng
Đầu tiên, Tài sẽ giúp bạn xác định được kích cỡ bàn chân của mình, sau đó chọn size giày phù hợp với bạn dựa vào bảng tra size giày chạy bộ của các hãng.
#1. Cách đo size chân
Bước 1: Đo chiều dài từ đầu ngón cái đến gót chân như hình dưới. Để dễ dàng hơn, bạn hãy đặt bàn chân mình lên một tờ giấy, sau đó vạch 2 đường vuông góc với bàn chân rồi lấy thước đo khoảng cách 2 đường đó.
Bước 2: Kích cỡ (size) chân của bạn = kích thước có đơn vị là CM trong bảng tra size giày.
Một số lưu ý khi chọn size giày:
- Đo kích cỡ chân và chọn size giày vào cuối ngày
- Chọn size giày theo bàn chân có kích thước lớn hơn
- Nếu chân bạn ốm và bề ngang hẹp, thì bạn chọn size giày theo hướng dẫn bên trên
- Nếu chân bạn mập, dày và có bề ngang rộng thì size giày bạn chọn = size theo hướng dẫn + 1 size. Ví dụ: Bạn là nam và mua giày Adidas, chiều dài chân đo được là 25.3 cm, nếu chân bạn ốm và hẹp thì chọn size 25.5, nếu chân có bề ngang rộng và mập thì chọn size 25.9.
- Nếu kích thước chân đo được không đúng chính xác như trong bảng, bạn hãy chọn size lớn hơn gần nhất để chân được thoải mái.
#2. Bảng tra size giày chạy bộ Adidas
BẢNG TRA SIZE GIÀY ADIDAS
CM | 22.1 | 22.5 | 22.9 | 23.3 | 23.8 | 24.2 | 24.6 | 25 | 25.5 | 25.9 | 26.3 | 26.7 | 27.1 | 27.6 | 28 | 28.4 | 28.8 |
EU | 36 | 36 2/3 | 37 1/3 | 38 | 38 2/3 | 39 1/3 | 40 | 40 2/3 | 41 1/3 | 42 | 42 2/3 | 43 1/3 | 44 | 44 2/3 | 45 1/3 | 46 | 46 2/3 |
UK | 3.5 | 4 | 4.5 | 5 | 5.5 | 6 | 6.5 | 7 | 7.5 | 8 | 8.5 | 9 | 9.5 | 10 | 10.5 | 11 | 11.5 |
US – NAM | 4 | 4.5 | 5 | 5.5 | 6 | 6.5 | 7 | 7.5 | 8 | 8.5 | 9 | 9.5 | 10 | 10.5 | 11 | 11.5 | 12 |
US – NỮ | 5 | 5.5 | 6 | 6.5 | 7 | 7.5 | 8 | 8.5 | 9 | 9.5 | 10 | 10.5 | 11 | 11.5 | 12 | 12.5 | 13 |
#3. Bảng tra size giày chạy bộ Nike
BẢNG TRA SIZE GIÀY NIKE
CM | 22.5 | 23 | 23.5 | 23.5 | 24 | 24 | 24.5 | 25 | 25.5 | 26 | 26.5 | 27 | 27.5 | 28 | 28.5 | 29 | 29.5 |
EU | 35.5 | 36 | 36.5 | 37.5 | 38 | 38.5 | 39 | 40 | 40.5 | 41 | 42 | 42.5 | 43 | 44 | 44.5 | 45 | 45.5 |
UK | 3 | 3.5 | 4 | 4.5 | 5 | 5.5 | 6 | 6 | 6.5 | 7 | 7.5 | 8 | 8.5 | 9 | 9.5 | 10 | 10.5 |
US – NAM | 3.5 | 4 | 4.5 | 5 | 5.5 | 6 | 6.5 | 7 | 7.5 | 8 | 8.5 | 9 | 9.5 | 10 | 10.5 | 11 | 11.5 |
US – NỮ | 5 | 5.5 | 6 | 6.5 | 7 | 7.5 | 8 | 8.5 | 9 | 9.5 | 10 | 10.5 | 11 | 11.5 | 12 | 12.5 | 13 |
Trên đây là cách chọn giày chạy bộ phù hợp nhất với bạn, Tài đã dựa trên kinh nghiệm chọn giày của bản thân cũng như tìm hiểu thêm thông tin liên quan để chia sẻ trong bài viết này. Bạn hãy đọc kỹ nội dung và những lưu ý quan trọng để có thể chọn được một mẫu giày ưng ý.
Cảm giác thoải mái và linh hoạt trên đôi chân, phù hợp với địa hình, mục đích chạy của bạn là rất quan trọng. Và đừng quên chọn đúng size giày phù hợp với chân của mình nhé!
Đừng bỏ lỡ: Top 10 đôi giày chạy bộ cho người mới bắt đầu tốt nhất 2022