Đau lưng ở người trẻ, nguyên nhân và cách điều trị

Facebook
Twitter
Email

Nhiều người nghĩ rằng đau lưng chỉ xảy ra đối với những ai ở độ tuổi trung niên và người già. Tuy nhiên, đau lưng ở người trẻ đang là một căn bệnh ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Khi cơn đau xảy ra, nhiều người cảm thấy lo lắng và bối rối vì không biết tại sao mình còn trẻ mà đã bị đau lưng.

Những cơn đau khiến cho cuộc sống và công việc trở nên khó khăn hơn, đôi lúc bạn không thể ngồi mà phải nằm hẳn để xoa dịu cơn đau. Nếu để tình trạng kéo dài mà không kịp thời chữa trị, có thể dẫn đến những hậu quả khó lường sau này.

Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu những nguyên nhân gây ra tình trạng đau lưng, tác hại của nó cũng như cách điều trị tạm thời và lâu dài để ngăn ngừa căn bệnh này.

Nguyên nhân gây đau lưng ở người trẻ

#1. Căng cơ lưng

Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng đau lưng ở người trẻ, căng cơ lưng thường là do nâng vật nặng, tập thể dục quá sức, cử động đột ngột hoặc vặn người ở một tư thế khó. Các dây chằng và các cơ ở lưng có thể đã bị kéo căng hoặc bị rách rất nhỏ khiến bạn bị đau.

Căng cơ lưng thường sẽ tự lành bằng việc kết hợp giữa nghỉ ngơi, chườm đá hoặc chườm nóng lên vùng bị đau, sử dụng thuốc giảm đau chống viêm, cũng như các bài tập kéo giãn các cơ ở lưng từ từ và nhẹ nhàng.

Căng cơ là hiện tượng cơ bị kéo căng hoặc bị rách, căng cơ lưng thường được biểu hiện bằng cảm giác đau âm ỉ ở lưng khi đứng hoặc đi bộ. Cũng có thể có cảm giác lưng bị cứng khi cúi xuống hoặc đau cục bộ khi chạm vào.

Dau lung o nguoi tre

Một số nguyên nhân gây ra tình trạng căng cơ lưng:

  1. Ngồi lâu hoặc ngồi sai tư thế: Ngồi học tập và làm việc trong nhiều giờ hoặc ngồi sai tư thế làm căng cột sống và các cơ ở lưng, gây ra chứng đau thắt lưng. Ngoài ra, không gian khi làm việc với máy tính cũng phải được đảm bảo, nhiều người ngồi khom lưng để gõ máy tính trong thời gian dài, điều này có thể dẫn đến tình trạng đau lưng trên.
  2. Tác động đột ngột: Các chuyển động đột ngột có thể gây tác động tức thì lên các cơ lưng dưới, gây ra tình trạng đau lưng. Ví dụ khi chơi các môn thể thao vận động mạnh mà không khởi động kỹ, bị tai nạn hoặc té ngã làm căng hoặc rách cơ. Không thường xuyên vận động hoặc tập thể dục làm các cơ bị cứng cũng khiến bạn dễ bị chấn thương loại này.
  3. Nâng vật nặng: Nâng đồ đạc hoặc vật dụng từ mặt đất lên cao là những lý do phổ biến gây căng cơ lưng. Vì vậy, khi nâng vật với trọng lượng cho phép, bạn hãy đảm bảo thực hiện đúng tư thế, không cúi khom lưng khi nâng.

#2. Chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học

Nhiều loại thực phẩm đã được chứng minh là có tác dụng giảm đau viêm, trong khi những loại khác lại làm gia tăng tình trạng này. Chế độ ăn nhiều đường và thực phẩm béo cũng làm tăng nguy cơ béo phì, góp phần gây ra đau lưng.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, sự gia tăng tỷ lệ đau lưng là có liên quan đến béo phì mặc dù nguyên nhân của mối quan hệ này vẫn chưa rõ ràng.

Các cơ của lưng dưới và bụng có nhiệm vụ làm việc cùng nhau để hỗ trợ phần trên cơ thể và tạo ra sự liên kết với cột sống. Vì những cơ này có thể không nhận được các chất dinh dưỡng thiết yếu cần thiết, chúng dễ bị chấn thương và khó phục hồi nếu bị tác động mạnh.

Thường xuyên sử dụng các loại thực phẩm có chứa nhiều dầu mỡ như thức ăn nhanh, đồ chiên xào, uống nhiều bia, rượu, nước có ga cũng là nguyên nhân dẫn đến đau lưng và tình trạng béo phì.

Ngoài ra, thiếu canxi và vitamin D có thể dẫn đến xương giòn và tăng nguy cơ chấn thương cột sống. Ăn một chế độ ăn uống cân bằng với protein, carbohydrate và trái cây và rau quả có thể cải thiện tình trạng đau lưng.

Uống đủ nước cũng rất quan trọng, hãy đảm bảo rằng bạn uống từ 8 đến 10 cốc nước mỗi ngày. Nếu bạn bị mất nước, bạn sẽ mất nhiều chất dinh dưỡng quan trọng cần thiết cho cơ thể và các đĩa đệm cột sống.

#3. Hút thuốc gây đau lưng

Nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa hút thuốc lá và đau lưng. Hút thuốc làm thu hẹp các mạch máu, giảm lưu thông máu và oxy đến các cơ và khớp ở lưng. Hút thuốc có thể thúc đẩy thoái hóa đĩa đệm ở cột sống bằng cách hạn chế khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và chữa lành của cơ thể.

Hút thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ loãng xương dẫn đến đau lưng, làm tăng nguy cơ gãy xương hông khi bạn già đi. Khi gãy xương cũng mất nhiều thời gian để chữa lành hơn do tác hại của nicotine đối với các tế bào tạo xương.

#4. Bệnh lý về thận

Dau lung o nguoi tre nguyen nhan va cach dieu tri

Những cơn đau thận cũng xuất phát từ vùng lưng nên nhiều người thường nhầm lẫn giữa đau thận và đau lưng. Những cơn đau này thường âm ỉ ở hai bên lưng hoặc bụng, có một số đặc điểm để bạn phân biệt giữa đau thận và đau lưng thông qua vị trí cơn đau.

Nếu là đau thận, bạn cảm thấy vị trí bị đau cao hơn ở phần lưng giữa, các vấn đề về đau lưng thường ảnh hưởng đến phần lưng dưới của bạn, cơn đau thận cũng sâu hơn bên trong cơ thể.

Thận là cơ quan rất quan trọng trong hệ bài tiết. Nó làm sạch nước, axit và các chất thải từ máu để tạo ra nước tiểu, qua đó đẩy chất thải ra ngoài cơ thể của bạn.

Khi thận bị bệnh hoặc bị tổn thương, nó không thể thực hiện công việc của mình để duy trì sự cân bằng của muối, khoáng chất, canxi và nước trong máu.

Nguyên nhân của việc đau thận có thể là do sỏi thận, sỏi thận xảy ra do sự kết tinh, lắng đọng của các chất thải nhưng lại không được đưa ra ngoài cơ thể.

Ngoài ra, còn có nhiều nguyên nhân khác như thận bị nhiễm trùng, bị sưng, nang thận… Để tìm ra nguyên nhân chính xác và có phương pháp điều trị hiệu quả, bạn hãy đến ngay những cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán.

#5. Ít vận động và tập thể dục

Ít vận động làm tăng độ cứng và giảm tính linh hoạt của các cơ và khớp, là lý do khiến bạn dễ bị đau lưng hơn. Những người hạn chế vận động cũng có thể bị yếu các cơ ở bụng, mông, gân kheo… điều này có thể làm cho cơn đau của bạn trầm trọng hơn.

Tập thể dục làm tăng lưu lượng máu, mang oxy và các chất dinh dưỡng đến các cơ và mô ở lưng, thúc đẩy quá trình chữa lành. Tập thể dục cũng có thể tạo ra một phản ứng nội tiết tố tích cực trong cơ thể vì nó làm tăng endorphin có khả năng giảm đau tự nhiên.

Các hình thức vận động như yoga, đi bộ hoặc chạy bộ đã được phát hiện là có khả năng cải thiện chứng đau thắt lưng mãn tính mà hầu như không cần sử dụng thuốc.

Bạn hãy lựa chọn cho một loại hình vận động mà mình yêu thích và xem nó như là một thói quen hàng ngày. Bắt đầu với việc đi bộ 10 phút mỗi ngày, sau đó tăng dần lên 30 hoặc 40 phút, thực hiện bốn hoặc năm lần một tuần.

Nếu bạn vẫn còn trẻ, sau khi đã hết đau, hãy bắt đầu thói quen chạy bộ để tăng cường trao đổi chất và ngăn ngừa chứng đau lưng quay trở lại. Chạy bộ là một bộ môn thể thao đơn giản và rất dễ tham gia, có rất nhiều lợi ích của chạy bộ mà bạn có thể chưa biết.

#6. Các bệnh lý về xương khớp

Thoat vi dia dem gay dau lung

Mặc dù ít khi gặp ở người trẻ, nhưng nếu các cơn đau lưng xuất hiện thường xuyên, kéo dài, đau dữ dội, đi kèm với các biểu hiện bất thường khác, rất có thể bạn đã mắc các bệnh lý về xương khớp.

  • Thoái hóa đĩa đệm: Những người trẻ từ 20 đến 30 tuổi có thể bị thoái hóa đĩa đệm. Khi đĩa đệm thắt lưng giữa các đốt sống của bạn bắt đầu bị phá vỡ, đĩa đệm bị tổn thương có thể gây viêm đau và bất ổn nhẹ ở lưng dưới, dẫn đến co thắt cơ và đôi khi là đau thần kinh tọa. Bệnh thoái hóa đĩa đệm phổ biến và thường được điều trị thành công.
  • Thoát vị đĩa đệm: Thoát vị đĩa đệm đề cập đến vấn đề xảy ra với những đĩa đệm nằm giữa các đốt sống, chúng xếp chồng lên nhau để tạo thành cột sống của bạn. Bạn có thể bị thoát vị đĩa đệm mà không hề hay biết, đĩa đệm bị trượt đôi khi rất đau đớn, nó gây ra một cơn đau thường được gọi là đau thần kinh tọa. Đau thần kinh tọa xảy ra khi rễ dây thần kinh ở cột sống dưới bị nén, gây đau và tê truyền dọc theo dây thần kinh tọa lớn.

#7. Một số thói quen xấu khác

Bên cạnh những nguyên nhân trên, bạn có thể thay đổi những thói quen không tốt hàng ngày để giúp giảm bớt hoặc thoát khỏi tinh trạng đau lưng kéo dài.

  • Đi giày cao gót: Giày cao gót có thể gây thêm áp lực lên bàn chân và cột sống của bạn, diện tích tiếp xúc của giày cao gót không nhiều như những đôi giày thông thường, nên chúng không thể giữ lưng bạn ở tư thế thoải mái suốt cả ngày. Những đôi giày có chiều cao gót từ 25 cm trở xuống là tốt nhất cho lưng của bạn.
  • Ngủ không đủ giấc: Ai cũng biết ngủ đủ giấc là tốt cho sức khỏe, ngủ giúp cơ thể có thời gian để thiết lập lại mọi thứ cho ngày hôm sau. Đệm ở lưng bạn được nghỉ ngơi sau khi bị đè nén trong suốt cả ngày. Ngoài ra, những nghiên cứu cũng cho thấy những người bị căng thẳng nhiều sẽ bị đau lưng nhiều hơn. Vì vậy, khi ngủ không đủ giấc, cơ thể sẽ không có thời gian để giải phóng căng thẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.
  • Nằm trên đệm bị võng: Nệm bị võng có thể gây đau lưng và cứng cơ nói chung. Nguyên nhân là do không thể giữ tư thế tốt khi ngủ do một hoặc nhiều phần cơ thể bị võng xuống với nệm, lưng và cổ là bộ phận dễ bị đau trong trường hợp này. Do đó, nằm trên những bề mặt cứng sẽ giúp cột sống giữ đúng tư thế để tránh bị đau lưng.
  • Kế gối quá cao: Tùy thuộc vào tư thế ngủ, kê thêm gối có thể giúp giữ cột sống ở vị trí thích hợp, gối kê đầu phải nâng đỡ đường cong tự nhiên của cổ và giúp thoải mái. Gối quá cao có thể gây căng cơ ở lưng, cổ và vai.

Điều trị đau lưng ở người trẻ

#1. Chườm nóng hoặc chườm lạnh

Chuom lanh dieu tri dau lung o nguoi tre

Chườm nóng hoặc chườm lạnh tại chỗ giúp làm giảm cơn đau hiệu quả đối với hầu hết các nguyên nhân gây đau lưng. Tuy nhiên, một trong hai cách sẽ có tác dụng tốt hơn tùy từng trường hợp.

Những tình huống bạn nên dùng phương pháp chườm lạnh là: căng cơ, rách cơ, thoái hóa đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm, đau nhức cơ do tập thể dục.

Bạn chỉ cần dùng đá viên trong tủ lạnh, bỏ vào một cái túi ni lông, sau đó bọc nó trong một cái khăn và đặt lên vùng lưng bị đau, rất dễ để thực hiện và không mất nhiều thời gian.

Chườm lạnh trong khoảng 10 đến 15 phút, nghỉ khoảng 30 phút trước khi tiếp tục để tránh làm tổn thương da và các dây thần kinh. Chườm lạnh có tác dụng hạ nhiệt độ cơ thể giúp co các mạch máu, giảm sưng, giảm viêm và gây tê.

Khi tình trạng đau đã thuyên giảm, hãy sử dụng liệu pháp chườm nóng, chườm nóng sẽ cải thiện tính linh hoạt của các mô mềm và các cơ ở lưng. Hơi ấm sẽ kích thích lưu thông máu ở lưng dưới của bạn, do đó mang lại chất dinh dưỡng chữa lành cho các mô bị thương.

Cách đơn giản nhất để chườm nóng là bạn hãy sử dụng một cái khăn, ngâm nó trong chậu nước nóng khoảng 40 – 50°C trong 2 đến 3 phút, vắt khô trước khi chườm lên vùng bị đau. Khăn nóng thường giữ ấm được trong 5 đến 10 phút, nên sau đó bạn hãy tiếp tục ngâm trong nước để làm nóng trở lại nhé!

#2. Xoa bóp, massage

Hầu hết các trung tâm chăm sóc sức khỏe đều công nhận xoa bóp như là một liệu pháp hỗ trợ hiệu quả cho những trường hợp bị đau lưng. Các nghiên cứu cho thấy liệu pháp xoa bóp giúp thư giãn các cơ, cải thiện lưu thông máu, qua đó cải thiện tình trạng đau nhức cơ do hoạt động thể chất.

Một trong những lợi ích lớn nhất của liệu pháp xoa bóp đó là làm tăng mức endorphin, endorphin là chất hóa học mà cơ thể tạo ra để làm cho bạn cảm thấy dễ chịu, rất hiệu quả trong việc kiểm soát cơn đau mãn tính.

#3. Đến trung tâm khám chữa bệnh

Mặc dù bạn có thể tự mua một số loại thuốc để điều trị đau lưng tại nhà. Tuy nhiên, đa số chúng chỉ có tác dụng làm giảm cơn đau trong thời gian ngắn, một số thuốc cũng có thể gây ra tác dụng phụ như đau dạ dày, táo bón, tiêu chảy…

Vì vậy, nếu sau khi chườm nóng, chườm lạnh và xoa bóp nhưng cơn đau vẫn không thuyên giảm, tốt nhất là bạn hãy đến các trung tâm khám chữa bệnh để được chẩn đoán chính xác và có phương pháp điều trị tốt nhất.

Đối với đau lưng ở người trẻ, bạn cũng không nên quá lo lắng vì đa số các trường hợp đều có thể tự khỏi. Đôi khi, bạn sẽ cần sự giúp đỡ của bác sĩ dưới dạng thuốc kê đơn hoặc thuốc tiêm và rất hiếm khi phải phẫu thuật.

Các phương pháp phòng tránh đau lưng

Tất cả các liệu pháp điều trị chỉ giúp xoa dịu cơn đau và cải thiện tình trạng đau lưng trong thời gian ngắn. Nếu bạn không thay đổi lối sống, loại bỏ những thói quen xấu hàng ngày thì cơn đau có thể sẽ quay trở lại.

Tin tốt cho những người đã từng bị đau lưng và muốn tránh tình trạng này lặp lại là bạn có thể thực hiện nhiều phương pháp để ngăn ngừa đau lưng. Các bài tập giãn cơ, yoga, đi bộ, chạy bộ và rèn luyện sức bền hàng ngày có thể giúp làm cho lưng và các cơ của bạn khỏe hơn và dẻo dai hơn.

#1. Loại bỏ thói quen xấu

  • Mang vác ít hơn: Mang vác vật dụng hoặc đồ đạc quá nặng sẽ tác động xấu đến cột sống và cổ của bạn. Cố gắng giảm bớt những gì cần mang theo và sử dụng ba lô để giúp phân bố trọng lượng đồng đều hơn. Nếu có thể, bạn hãy sử dụng các thiết bị có bánh xe để loại bỏ gánh nặng cho lưng.
  • Cải thiện tư thế của bạn: Tư thế sai có thể gây áp lực và căng thẳng không cần thiết lên cột sống. Chú ý đến chiều cao ghế cũng như bàn làm việc, ngồi thẳng lưng, giữ 2 bàn chân trên đất và đầu gối tạo một góc 90 độ với mặt sàn.
  • Nâng vật đúng cách: Khi nâng vật từ dưới đất phải sử dụng lực của cơ chân và tay, không dùng lực ở cột sống bằng cách không cúi người khi nâng, đây là một tư thế sai rất phổ biến.
  • Thường xuyên vận động: Sau mỗi 40 phút ngồi làm việc liên tục, hãy đứng dậy đi lại và thực hiện các động tác để thư giãn các cơ và lưu thông máu. Lấy nước uống cũng là một lý do hợp lý để bạn vận động đấy.
  • Hạn chế đi giày cao gót: Giày cao gót có khả năng gây hại cho lưng nếu chị em sử dụng chúng thường xuyên, chọn những đôi giày có gót thoải mái, chiều cao gót càng thấp càng tốt và tối đa là 25 cm.
  • Nằm trên bề mặt cứng: Nên nằm ngủ trên những bề mặt như chiếu hoặc nệm có độ mềm vừa phải, chúng giúp giữ đúng tư thế của cổ và cột sống của bạn khi ngủ. Thay nệm khi bề mặt quá mềm và hạn chế nằm võng.
  • Gối đầu vừa phải: Không nền vừa nằm vừa đọc sách, xem điện thoại hoặc làm việc.

#2. Ăn uống khoa học và lành mạnh

Một số chế độ ăn có khả năng gây đau và viêm nhiễm cao, đặc biệt là những chế độ ăn giàu chất béo chuyển hóa, đường tinh luyện và thực phẩm chế biến sẵn.

Tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ để xem liệu chế độ ăn uống của bạn có góp phần vào chứng đau lưng mãn tính của bạn hay không và bạn có thể thay đổi nó như thế nào. Chế độ ăn khoa học cũng giúp tránh tình trạng thừa cân béo phì, một khối lượng lớn tạo áp lực lên cột sống cũng có thể khiến bạn bị đau lưng.

Một chế độ ăn chủ yếu dựa trên thực vật bao gồm những loại hạt có thể là cách tốt nhất để tránh viêm nhiễm. Trái cây và rau có màu đậm là một phần quan trọng của chế độ ăn uống chống viêm. Một số loại thực phẩm giúp giảm đau lưng và bổ sung dinh dưỡng như: cà rốt, củ cải đường, khoai lang, nho, dưa hấu…

Một cách khác để giảm đau lưng là đảm bảo bạn đang nhận đủ các chất dinh dưỡng như canxi và vitamin D, chúng là thành phần chủ yếu để hình thành nên xương.

#3. Chơi các môn thể thao

Chay bo phong tranh dau lung

Hãy chọn một môn thể thao yêu thích và để nó trở thành một thói quen trong đời sống hàng ngày của bạn. Các bài tập yoga, đi bộ, chạy bộ, bơi lội… là những hình thức vận động mà bạn có thể lựa chọn.

Chơi thể thao giúp co giãn các cơ ở nhiều vị trí, qua đó làm lưu thông máu đi khắp cơ thể, tăng khả năng linh hoạt cho các khớp, mô cơ, tim, phổi và rất nhiều cơ quan khác.

Nhiều báo cáo đã chỉ ra rằng, những người chạy bộ thường xuyên đến tuổi trung niên ít mắc các bệnh liên quan đến đau lưng như thoái hóa đĩa đệm hay thoát vị đĩa đệm. Những người càng chạy nhiều năm, vị trí của các đĩa đệm cũng càng tốt hơn.

Ngoài ra, chạy bộ còn giúp tăng mật độ xương, phòng tránh nhiều bệnh ung thư, cải thiện hệ miễn dịch, ngủ ngon hơn…

Thời gian đầu bạn có thể lựa chọn đi bộ để thực hành, nó đơn giản và dễ thực hiện, nhưng nhớ là bạn phải có một đôi giày phù hợp để đi bộ. Bạn có thể đi bộ ở vỉa hè công viên để vừa vận động vừa hít thở không khí dưới những tán cây.

Sau khi đã quen với việc đi bộ, hãy bắt đầu chạy để mang lại hiệu quả tốt hơn. Khởi động kỹ trước khi chạy bộ và có một đôi giày chuyên để chạy, giày chạy bộ giúp bạn tránh những chấn thương cũng như nâng cao hiệu quả buổi tập.

Bài viết liên quan: 14 lợi ích của chạy bộ đối với sức khỏe cơ thể

Lời kết

Đau lưng không phải là căn bệnh hiếm gặp, thực tế cho thấy hầu hết mọi người đều trải qua tình trạng đau lưng ít nhất 1 lần trong đời, nguyên nhân gây ra đau lưng cũng rất đa dạng. Tuy nhiên, đau lưng ở người trẻ thường gặp là do tình trạng ít vận động, lâu ngày làm các cơ hoặc dây chằng bị cứng và mất độ linh hoạt.

Vì thế, chúng rất dễ bị căng hoặc bị rách khi bạn thực hiện những động tác khó như vận động mạnh hoặc xoay người đột ngột. Bạn có thể sử dụng các liệu pháp như chườm nóng, chườm lạnh hay xoa bóp để tự chữa lành chúng tại nhà. Nếu cảm thấy cơn đau không suy giảm, hãy đến nơi khám chữa bệnh để điều trị kịp thời.

Bản thân Tài cũng từng bị đau lưng vì tính chất công việc phải ngồi máy tính khá nhiều, Tài cũng rất lo lắng không biết mình có vấn đề gì với cột sống hay không, kết quả khám bệnh là mình chỉ bị căng cơ do ngồi nhiều mà lại ít vận động.

Từ khi biết đến bộ môn chạy bộ và thực hành nó thường xuyên, Tài đã tạm biệt với những cơn đau lưng, chạy bộ giờ đây đã trở thành thói quen hàng ngày, Tài cũng xem nó như là một cách xả stress hiệu quả sau một ngày dài làm việc căng thẳng.

Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích, đừng quên đánh giá hoặc góp ý bằng cách để lại bình luận bên dưới bài viết này nhé!

Nguyễn Tấn Tài

Nguyễn Tấn Tài

Xin chào! Mình là Tài, người lập ra blog này để chia sẻ đến bạn những câu chuyện liên quan đến chạy bộ, đạp xe, bơi lội... Mình hoàn thành cự ly Marathon 42,195 km đầu tiên vào năm 2021. Tìm hiểu thêm về Tài tại đây. Hãy để lại ý kiến cũng như đánh giá về bài viết nếu có thể bạn nhé! Cảm ơn bạn rất nhiều!

Bài viết liên quan:

Bình luận của bạn