Tăng cân là sự gia tăng trọng lượng cơ thể, điều này diễn ra khi khối lượng cơ bắp tăng lên hay khi cơ thể tích tụ quá nhiều chất béo hoặc một số chất lỏng dư thừa. Đây là tình trạng chúng ta thường xuyên gặp phải trong cuộc sống hiện nay. Tăng cân xuất phát từ việc bạn không kiểm soát được lượng thức ăn nạp vào cơ thể mỗi ngày và lười vận động.
Đôi khi, cân nặng tăng lên trong một khoảng thời gian ngắn nhưng có nhiều trường hợp nó diễn ra chậm và ổn định khiến bạn khó nhận ra những dấu hiệu tăng cân. Bởi vậy bạn cần chú ý đến những thay đổi dù vô cùng nhỏ của cơ thể để kịp thời ngăn chặn. Dưới đây là một số dấu hiệu giúp bạn xác định bản thân có đang tăng cân hay không.
1. Chỉ số BMI tăng cao
BMI còn được gọi là chỉ số khối cơ thể dùng để xác định cơ thể của một người là gầy hay béo bằng cách lấy cân nặng (kilôgam) chia cho chiều cao (mét) bình phương hoặc so sánh với bảng tiêu chuẩn chung.
BMI= cân nặng/(chiều cao)^2
Nếu không chắc chắn rằng mình có bị thừa cân hay không thì tính theo BMI là một cách đơn giản và hữu ích. Chỉ với một phép tính, chúng ta có thể biết cơ thể phù hợp một thực đơn giảm cân hay một thực đơn tăng cân.
Cụ thể như sau:
- BMI dưới 18,5: bạn đang bị thiếu cân.
- BMI từ 18,5 đến 24,5: cơ thể cân đối.
- BMI từ 25 đến 30: bạn đang bị thừa cân.
- BMI trên 30 là tình trạng béo phì.
Ví dụ, BMI của một người có chiều cao 1,55 mét và nặng 65 kg là:
BMI = 65/(1,55)^2 = 27,06
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa Dịch bệnh, có khoảng 31,8% người từ 20 tuổi trở lên bị thừa cân và có 39,8% bị béo phì được xác định bằng phương pháp đo BMI.
Cách tính này phù hợp với hầu hết mọi người nhưng cũng có những hạn chế riêng. Nó sẽ gây ra sai số khi được áp dụng tính cho phụ nữ mang thai, vận động viên và người tập thể hình (chỉ số BMI cao nhưng tỉ lệ mỡ lại thấp).
Chúng ta cũng cần lưu ý khi sử dụng cách tính này cho trẻ em vì BMI được phân loại cho người trưởng thành từ 20 tuổi trở lên và một loại khác cho trẻ em và thanh thiếu niên từ 2 đến 20 tuổi.
Chỉ số BMI không thể giúp bạn tính lượng mỡ trong cơ thể. Nó chỉ thông qua tương quan chiều cao và cân nặng để phân loại mức độ gầy béo.
2. Quần áo bị chật
Quần áo là một vật dụng quen thuộc mà chúng ta sử dụng mỗi ngày. Bởi vậy, sự thay đổi khi mặc những bộ quần áo trong tủ là cách đơn giản nhất mà mọi người thường sử dụng, đôi khi là vô tình, để phát hiện ra bản thân có tăng cân hay không.
Những trang phục từng vừa vặn với bạn nhưng hiện tại nó lại trở nên chật chội, không thoải mái. Chiếc quần jean không thể kéo lên hay bộ đồ bó sát khiến bạn trông như cố gắng để nhét bản thân vào nó là một dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang tăng cân.
Bên cạnh đó, khi bạn mặc một bộ quần áo bó sát cả ngày và nó để lại vết hằn trên cơ thể thì có thể cân nặng của bạn đang tăng lên.
Phương pháp thử quần áo rất dễ dàng nhưng bạn cần chú ý không nên thử ngay sau bữa ăn vì cơ thể bạn chưa thể tiêu hóa hết thức ăn. Điều này có thể tạo ra hiểu lầm rằng bạn đang thừa cân hoặc béo lên.
3. Luôn có cảm giác đói
Thói quen ăn uống đóng vai trò vô cùng quan trọng và có mối quan hệ chặt chẽ với cân nặng. Vì vậy, sự thay đổi thói quen ăn uống là dấu hiệu tăng cân không thể bỏ qua. Bạn có thể luôn thấy đói và ăn rất nhiều bữa trong ngày, cảm giác ăn bao nhiêu cũng không đủ. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến bệnh béo phì.
Chất béo tích tụ khiến bạn suy nghĩ, căng thẳng và lo lắng càng làm sản sinh ra hoóc-môn cortisol kích thích cảm giác thèm ăn. Nếu bữa ăn của bạn không đủ chất dinh dưỡng, ăn theo sở thích sẽ dễ khiến bạn tăng cân. Đặc biệt là những món bánh ngọt chứa nhiều calo và đường.
Đồ ăn vặt hoặc đồ chiên rán bạn ăn lúc đói có thể tạm thời lấp đầy dạ dày nhưng không cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết. Điều này khiến cảm giác đói của bạn quay lại rất nhanh và lại lặp lại vòng tuần hoàn ấy. Lượng chất béo ngày càng được tích tụ nhiều dẫn đến thừa cân, béo phì và một thói quen ăn uống khó có thể thay đổi.
Để cải thiện tình trạng này, bạn nên dần chuyển những món ăn thường ngày thành rau xanh, ngũ cốc và hoa quả. Bữa ăn lành mạnh không chỉ ngăn chặn cân nặng gia tăng mà còn mang đến nhiều lợi ích khác cho sức khỏe. Cùng với đó, bạn có thể kết hợp chế độ ăn với chạy bộ giảm cân hoặc tập thể dục thể thao để nâng cao hiệu quả.
Bạn có thể tham khảo: 5 điều cần biết để chạy bộ giảm cân hiệu quả
4. Đau khớp và viêm xương khớp
Cân nặng thay đổi ảnh hưởng đến đau khớp, cứng khớp, sưng ở khớp, thậm chí gây ra những tình trạng nghiêm trọng hơn.
Theo Viện lão hóa Quốc gia của Hoa Kỳ, tăng cân và béo phì là những yếu tố quan trọng gây nguy cơ viêm xương khớp ở tay và đầu gối. Viêm xương khớp là một loại rối loạn dẫn đến suy giảm khớp và giảm khả năng vận động ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn.
Trọng lượng cơ thể tăng lên gây áp lực cho các khớp chủ yếu ở đầu gối và bàn chân. Cân nặng càng cao thì áp lực cũng càng cao. Tăng cân cũng có thể dẫn đến đau lưng khi các dây thần kinh bị chèn ép, đồng thời cũng khiến tình trạng viêm, sưng khớp ngày càng trầm trọng hơn.
5. Số đo vòng eo
Một trong những cách xác định bạn có tăng cân hay không bên cạnh BMI là sử dụng thước đo vòng eo, vòng eo là nơi dễ tích tụ chất béo nhất trên cơ thể.
Bạn có thể đo vòng eo của mình với một cái thước dây. Đặt thước dây cố định ở đỉnh xương hông, sau đó cuốn thước dây quanh vòng eo ngang mức rốn. Bạn có thể tự đo hoặc nhờ sự giúp đỡ từ người khác, so sánh với vòng eo trước đây để nhận biết rằng bạn có đang tăng cân hay không.
Mỡ thừa tích tụ ở vùng bụng ngang hông có thể gây ra nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường loại 2 và ung thư. Thông thường, nếu vòng eo của bạn lớn hơn 94 cm đối với nam và trên 80 cm đối với nữ thì bạn nên cân nhắc về việc giảm cân.
6. Rạn da và các vấn đề về da
Rạn da là một dấu hiệu tăng cân mà bạn có thể dễ dàng nhìn thấy trên cơ thể. Khi cân nặng tăng lên, da phải căng ra để thích nghi với sự phát triển của cơ thể.
Da của bạn có một lớp hạ bì bao gồm các mô hỗ trợ và các sợi liên kết tạo thành từ elastin và collagen giữ cho làn da của bạn khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi tăng cân đột ngột, những sợi này bị dãn ra. Điều này làm cho da trở nên mỏng và gây ra vết rách khiến các mạch máu bên dưới hiện ra, tạo thành các vết đỏ ban đầu rồi được thay bằng lớp mỡ. Bởi vậy, vết rạn da thường có màu trắng hoặc màu bạc.
Chất béo dư thừa tạo ra các nếp gấp trên cơ thể, các nếp gấp này giữ độ ẩm dễ gây các vấn đề về da và nhiễm trùng. Nếu bạn đang gặp tình trạng này, hãy chú ý kiểm soát cân nặng của mình.
7. Sưng tay, sưng chân
Vì sao sưng tay, sưng chân lại là một trong những dấu hiệu cảnh báo cho biết bạn đang thừa cân? Bởi vì thừa cân là do sự tích tụ mỡ, chất lỏng và tập trung ở một số bộ phận trên cơ thể gây ra hiện tượng sưng hay còn gọi là phù nề.
Bạn có thể bị sưng ở ngón tay, bàn chân và có hiện tượng đau bụng gây cản trở đến quá trình tiêu hóa. Nếu chất lỏng tích tụ trong các cơ quan ví dụ như phổi sẽ gây sưng phổi dẫn đến cảm giác khó thở.
Khi thấy cơ thể bạn xuất hiện phù nề thì có khả năng đây là dấu hiệu tăng cân nhưng nó cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác như dùng thuốc sai, mang thai hoặc bệnh gan và thận. Vậy nên khi xuất hiện tình trạng này, bạn cần đi kiểm tra để có thể xác định đúng trường hợp của mình, lắng nghe lời khuyên của bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp.
8. Mệt mỏi và mất ngủ
Mệt mỏi sau một ngày làm việc vất vả không phải điều hiếm thấy. Nhưng khi bạn nghỉ ngơi đầy đủ, có ngày làm việc vui vẻ và nhẹ nhàng nhưng cơ thể đột nhiên mất hết năng lượng, không còn sức lực thì bạn cần quan tâm đến sức khỏe của mình.
Vì sao lại như vậy? Tăng cân là tình trạng mỡ thừa tích tụ lên các cơ quan và điều này làm cơ thể dễ dàng rơi vào trạng thái mệt mỏi. Chỉ đi bộ một quãng đường ngắn nhưng bạn đã cảm thấy khó thở vì lượng mỡ dư thừa chèn ép phổi khiến cơ thể không được cung cấp đủ oxy. Sự khó chịu ấy khiến chúng ta không muốn hoạt động hay làm bất cứ việc gì khác.
Thêm nữa, khi chất béo tích tụ tập trung ở vùng cổ gây khó thở hoặc ngưng thở khi ngủ. Bạn có thể phải thức giấc giữa chừng nhiều lần để hít thở đủ lượng oxy hoặc tỉnh dậy và thức cho đến sáng hôm sau. Điều này cũng khiến cơ thể mất năng lượng và uể oải.
9. Bạn không muốn tập thể dục
Trước đây bạn từng có thói quen tập thể dục hoặc tham gia một câu lạc bộ thể thao nhưng sau một khoảng thời gian nghỉ ngơi, bạn cảm thấy cơ thể chậm chạp và không muốn tiếp tục những hoạt động đó nữa, có phải bạn đang tăng cân?
Thực tế cho thấy khi ăn quá nhiều chúng ta sẽ có xu hướng muốn được nghỉ ngơi. Cảm giác mệt mỏi và lười biếng xuất hiện vì cơ thể phải làm việc nhiều hơn để cố gắng tiêu hóa hết lượng thức ăn được nạp vào.
Hình dáng cơ thể thay đổi khiến việc tham gia vào các hoạt động thể thao trở nên khó khăn và sau đó bạn không còn muốn duy trì thói quen này nữa. Cơ thể nặng nề hơn tạo ra cảm giác chỉ muốn ở tại một chỗ và lười vận động. Điều này lại góp phần khiến cân nặng của bạn tăng cao dẫn đến tình trạng béo phì.
Hãy xây dựng cho mình thói quen vận động hàng ngày bằng cách tham gia một số hoạt động như chạy bộ hay một lớp học yoga. Đồng thời điều chỉnh chế độ ăn uống để ngăn ngừa những tác hại của thừa cân béo phì.
10. Huyết áp cao
Thức ăn nhanh và đồ ngọt có thể làm thỏa mãn cơn đói tạm thời của bạn. Nhưng thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo làm tăng lượng đường trong máu và mức cholesterol – một loại chất béo không tan trong nước. Vậy nên khi bạn kiểm tra thấy lượng đường trong máu cao, có thể bạn đang bị thừa cân.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu từ Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho thấy huyết áp cao có một phần nguyên nhân từ tăng cân và lượng mỡ thừa tập trung ở vùng bụng của bạn, dù cho chỉ là một phần nhỏ.
Những người có bệnh cao huyết áp thường có cân nặng lớn, đồng thời cũng mắc những bệnh liên quan đến tim mạch và tiểu đường. Bởi vậy bạn cần điều chỉnh cân nặng của mình để huyết áp giảm xuống ở mức cân bằng cũng như tránh các bệnh nguy hiểm.
11. Kinh nguyệt không đều
Tăng cân và thiếu cân có thể làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Lượng mỡ dự trữ trong cơ thể tăng lên dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố làm chậm quá trình rụng trứng. Các mô mỡ làm gia tăng lượng estrogen ngăn chặn sự rụng trứng khiến kinh nguyệt của bạn không đến đúng thời gian dự kiến.
Lượng estrogen dư thừa trong cơ thể vì béo phì có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú và tử cung. Khi chỉ số BMI càng lớn thì càng nhiều nguy cơ bị rối loạn kinh nguyệt. Bởi vậy, giảm cân là một cách giúp điều chỉnh lượng estrogen và duy trì chu kỳ kinh nguyệt đều đặn.
Lời kết
Tăng cân luôn là một vấn đề được nhiều người quan tâm, đặc biệt là các chị em phụ nữ. Bài viết đã đưa ra nhiều dấu hiệu tăng cân khác nhau với những cách nhận diện đơn giản. Bạn có thể dùng BMI, dây đo vòng eo hoặc thử một bộ đồ bó sát đã mua vài tháng trước và chỉ trong thời gian ngắn bạn có thể biết mình đang tăng cân hay không.
Vết hằn của quần áo, vết rạn da, hiện tượng sưng lên cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo về cân nặng của bạn. Bên cạnh đó còn có những thay đổi trong thói quen sinh hoạt thường ngày, luôn có cảm giác thèm ăn, mất ngủ hay ăn quá nhiều.
Nếu bạn đang tăng cân quá nhanh, bạn nên thay đổi lối sống hiện tại. Hãy xây dựng một thực đơn lành mạnh, kết hợp vận động với những bài tập giảm cân, dành thời gian thư giãn để giảm bớt căng thẳng. Sau một vài tháng thực hiện, bạn sẽ nhận ra những thay đổi đáng kể đối với sức khỏe của mình.