Stress hay căng thẳng đã trở thành tình trạng phổ biến trong thời đại phát triển như hiện nay. Stress không chỉ xảy ra với người trưởng thành vì áp lực công việc hay tình hình tài chính mà còn diễn ra đối với người trẻ ở lứa tuổi học sinh hay sinh viên vì áp lực thành tích học tập.
Căng thẳng trong thời gian dài tác động xấu đến sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần, khiến cuộc sống ngày càng áp lực và khó khăn hơn. Do đó, phát hiện sớm các dấu hiệu stress căng thẳng là rất cần thiết để có một lối sống lành mạnh và hạnh phúc. Dưới đây là một số dấu hiệu giúp bạn nhận biết mình có đang bị căng thẳng hay không.
1. Đau đầu
Dấu hiệu khá phổ biến xảy ra khi bạn bị stress đó là tình trang đau đầu hoặc đau cổ. Một nghiên cứu cho thấy có khoảng 45% trong tổng số gần 300 người tham gia khảo sát bị đau đầu sau khi trải qua một tình huống gây căng thẳng.
Một nghiên cứu khác trên 150 người tại một phòng khám cũng phát hiện ra rằng 67% bệnh nhân cho biết cơn đau đầu của họ xuất phát bởi căng thẳng.
Cường độ căng thẳng gia tăng hoặc kéo dài cũng có liên quan đến sự gia tăng số ngày đau đầu trải qua mỗi tháng của bạn.
Nguyên nhân gây đau đầu do căng thẳng có thể đến từ áp lực công việc, áp lực học tập, khó khăn hoặc xung đột trong các mối quan hệ với bạn bè hay người thân.
Các nguyên nhân gây đau đầu khác cũng phổ biến không kém như: thiếu ngủ, uống rượu bia, thiếu nước…
2. Khó tập trung
Không có khả năng tập trung hay khả năng tập trung kém có thể là dấu hiệu stress thường gặp. Bạn đang làm việc nhưng lại để tâm trí lang thang ở đâu đó và không thể hoàn thành công việc đúng hạn, hoặc hay bị phân tâm trong các cuộc trò chuyện với người khác.
Ngoài ra, bạn cũng gặp vấn đề với trí nhớ của mình khi cực kỳ hay quên, bạn dễ để quên những thứ lặt vặt như chìa khóa, ví, áo khoác… hay đang nói chuyện nhưng lại không biết phải nói gì tiếp theo.
Khả năng tập trung kém và suy giảm trí nhớ khiến bạn không thể hoàn thành tốt công việc cả về chất lượng và tiến độ, mất khả năng quyết đoán hoặc dễ đưa ra quyết định khi chưa suy nghĩ kỹ.
3. Cảm thấy áp lực vì công việc
Bất kỳ công việc nào cũng có thể có những yếu tố gây căng thẳng, ngay cả khi đó là công việc bạn yêu thích. Áp lực về tiến độ hoàn thành dự án hay một nhiệm vụ mới đầy thử thách có thể là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng thường thấy.
Thời đại phát triển cần nguồn nhân lực ngày càng chất lượng và trình độ cao hơn, những ai làm việc càng lâu năm thì trách nhiệm với công việc càng lớn. Mức lương của bạn tăng theo thâm niên đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có xu hướng giao cho bạn những nhiệm vụ ngày càng khó và thử thách hơn.
Trên thực tế, stress xuất phát từ áp lực về công việc và tài chính là rất phổ biến, dễ nhận thấy dấu hiệu căng thẳng khi bạn bị choáng ngợp với lượng công việc quá nhiều hoặc cảm thấy không thể hoàn thành dự án vì nhiệm vụ quá khó khăn.
Căng thẳng trong ngắn hạn có thể không đáng lo ngại nhưng áp lực công việc kéo dài sẽ khiến cơ thể bị quá tải và tác động xấu nhiều mặt đến sức khỏe. Bạn có thể giúp cho tâm trí và cơ thể được thư giãn tại nơi làm việc bằng cách đi dạo hoặc thực hiện các động tác như tập thể dục trong giờ giải lao.
4. Mất năng lượng
Mệt mỏi, chán nản và cảm thấy không có năng lượng cũng có thể là dấu hiệu stress kéo dài. Bạn thường xuyên cảm thấy chán nản, không có động lực để làm việc hay thực hiện những thói quen hàng ngày, lười ra khỏi giường để làm bất cứ điều gì.
Những thay đổi trong tâm trạng như bạn không muốn nói chuyện với mọi người, khó chịu hơn bình thường hoặc hay cáu kỉnh với người khác, khiến bạn tự cô lập bản thân và tránh giao tiếp.
Căng thẳng có thể tác động xấu đến những mối quan hệ của bạn và đôi khi rất khó để nhận ra rằng chúng đang xảy ra. Dấu hiệu stress dễ nhận biết là bạn cảm thấy mình khó tính hơn, lười nói chuyện và hay nhìn vào điện thoại thay vì kết nối với người đối diện, hoặc thậm chí tự tạo khoảng cách với mọi người.
Tất cả những dấu hiệu mệt mỏi này cho thấy mức độ căng thẳng đang gia tăng và cơ thể bạn đang ngày càng bị hao mòn, một tình trạng rất nghiêm trọng và cần có phương pháp điều trị kịp thời.
Bài viết liên quan: Stress là gì? Nguyên nhân, tác hại và cách điều trị
5. Trầm cảm
Một số nghiên cứu cho thấy rằng căng thẳng trong thời gian dài (mãn tính) có thể làm tăng nguy cơ phát triển của bệnh trầm cảm, một chứng rối loạn tâm trạng khiến bạn cảm thấy buồn và không hứng thú với những thứ bạn thường yêu thích.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, căng thẳng và trầm cảm có mối liên hệ qua lại và tác động lẫn nhau, căng thẳng có thể dẫn đến trầm cảm và ngược lại.
Một sự kiện gây căng thẳng nghiêm trọng như ly hôn hoặc một sự mất mát về tài chính có thể khiến tâm lý của một số người không còn giữ được sự ổn định. Nếu căng thẳng kéo dài với cường độ ngày càng tăng, đó là lúc chứng trầm cảm có thể xuất hiện.
Ngoài ra, sự cô lập với xã hội, sự gián đoạn trong các hoạt động bình thường trong cuộc sống và công việc cũng dường như làm tăng mức độ trầm cảm, thống kê cho thấy mức độ trầm cảm của các thành viên thuộc thế hệ gen Z đã tăng khoảng 5% giữa trước và sau đại dịch.
6. Vấn đề về tiêu hóa
Khi bạn bị căng thẳng, não sẽ kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm để chuẩn bị cho cơ thể tự bảo vệ mình trước nguy hiểm sắp xảy ra bằng cách hạn chế hoạt động ở những cơ quan không cần thiết, bao gồm cả hệ tiêu hóa. Lúc này, bạn có thể bị đau bụng, khó tiêu, ợ chua hoặc buồn nôn.
Các vấn về về tiêu hóa làm bạn bị căng thẳng hơn nữa và căng thẳng lặp đi lặp lại tiếp tục dẫn đến các vấn đề về đường tiêu hóa hoặc làm trầm trọng thêm các vấn đề đã có.
Một khảo sát dựa trên 2.699 trẻ em đã phát hiện ra rằng, tiếp xúc với các sự kiện căng thẳng có liên quan đến việc tăng nguy cơ táo bón.
Ngoài ra, một phân tích trong số 18 nghiên cứu xem xét vai trò của căng thẳng đối với bệnh viêm ruột cho thấy rằng 72% các nghiên cứu tìm thấy mối liên quan giữa căng thẳng và các triệu chứng tiêu hóa.
Một số yếu tố khác cũng tác động xấu đến hệ tiêu hóa như chế độ ăn uống, mất nước, mức độ hoạt động thể chất, nhiễm trùng hoặc một số loại thuốc.
7. Nhịp tim cao
Nhịp tim nhanh hơn bình thường cũng có thể là triệu chứng của mức độ căng thẳng cao, đây là một phản ứng tự nhiên mà cơ thể sử dụng để giữ tỉnh táo trong những tình huống khó khăn.
Một số nghiên cứu đã so sánh nhịp tim ở trạng thái căng thẳng và không căng thẳng cho thấy nhịp tim cao hơn đáng kể trong điều kiện căng thẳng.
Một nghiên cứu ở 133 thanh thiếu niên cho thấy trải qua một nhiệm vụ căng thẳng gây ra sự gia tăng nhịp tim. Trong một nghiên cứu tương tự, việc cho 87 sinh viên tiếp xúc với một hoạt động căng thẳng cho thấy nhịp tim và huyết áp tăng cao.
Ngoài ra, nhịp tim nhanh cũng có thể là nguyên nhân của tình trạng huyết áp cao, bệnh tuyến giáp, một số căn bệnh liên quan đến tim, do uống một lượng lớn đồ uống có chứa cafein hoặc có cồn.
8. Dễ bị bệnh
Hệ thống miễn dịch của bạn có thể bị suy yếu khi cơ thể phải đối mặt với quá nhiều áp lực. Khi tất cả năng lượng của bạn hướng tới việc giải quyết các vấn đề ở nơi làm việc, cơ thể không còn đủ sức đề kháng để bảo vệ bản thân khỏi bệnh tật.
Nếu bạn thường có sức khỏe tốt nhưng gần đây lại luôn bị ốm, hãy xem xét khối lượng công việc và xem liệu bạn có đang làm quá nhiều hay không.
Trong một nghiên cứu với 235 người trưởng thành được phân loại thành nhóm có tình trạng căng thẳng cao và thấp. Trong khoảng thời gian sáu tháng, những người trong nhóm căng thẳng cao bị nhiễm trùng đường hô hấp nhiều hơn 70% và có nhiều triệu chứng hơn so với nhóm căng thẳng thấp.
Trong một nghiên cứu khác trên 61 người lớn tuổi đã được tiêm vắc-xin cúm. Những người bị căng thẳng mãn tính được phát hiện có phản ứng miễn dịch suy yếu với vắc-xin, cho thấy căng thẳng có thể làm suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể.
Ngoài ra, hệ thống miễn dịch suy yếu cũng có thể là kết quả của chế độ ăn uống thiếu chất dinh dưỡng hoặc không lành mạnh, không hoạt động thể chất và một số rối loạn suy giảm miễn dịch như bệnh bạch cầu.
Đừng bỏ qua: 9 tác hại của căng thẳng stress đối với sức khỏe cơ thể
9. Bạc hoặc rụng tóc
Một nghiên cứu mới cho thấy căng thẳng thực sự có thể khiến bạn bạc tóc, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng phản ứng của cơ thể với căng thẳng đóng một vai trò quan trọng trong việc thay đổi màu tóc.
Màu tóc của bạn được xác định bởi các tế bào sản xuất sắc tố được gọi là tế bào hắc tố, tế bào hắc tố mới được tạo ra từ các tế bào gốc. Khi chúng ta già đi, các tế bào gốc này dần dần biến mất. Các nghiên cứu chỉ ra rằng căng thẳng cũng dẫn đến việc mất các tế bào gốc sản xuất sắc tố này.
Tức là nếu không còn tế bào gốc để tạo ra các tế bào sắc tố mới, tóc mới mọc sẽ chuyển sang màu xám hoặc bạc trắng. Tóc rụng và mọc lại là một quá trình tự nhiên và rất bình thường, nhưng nếu tóc rụng nhiều hơn có thể là dấu hiệu stress trong thời gian dài.
Để kiểm tra mối quan hệ giữa căng thẳng và rụng tóc, các nhà nghiên cứu đã cho chuột tiếp xúc với âm thanh gây căng thẳng (một dạng căng thẳng tâm lý xã hội) và phát hiện ra rằng nó gây ra sự gián đoạn của chù kỳ phát triển lông. Nghiên cứu này đã chứng thực quan điểm rằng căng thẳng có thể dẫn đến rụng tóc.
10. Suy nghĩ tiêu cực
Trong một số trường hợp, bạn dường như lo lắng quá mức và hay tưởng tượng đến những tình huống tồi tệ nhất có thể xảy ra. Chẳng hạn như bạn cho rằng mình sẽ mất việc nếu không nộp báo cáo công việc đúng hạn hoặc cho rằng bài thuyết trình mới nhất của mình sẽ bị sếp đánh giá thấp mặc dù không có bằng chứng thực sự.
Những suy nghĩ tiêu cực lặp đi lặp lại sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm trạng của bạn. Bạn có thể tự vẽ ra những câu chuyện tiêu cực và thực sự tin là nó có thật và đang diễn ra, bạn cũng có khả năng đánh giá thấp bản thân hay suy nghĩ lệch lạc về con người thật của bạn.
Suy nghĩ tiêu cực theo thời gian có thể gây ra chứng trầm cảm, tránh né xã hội hoặc từ chối kết nối với mọi người.
Bạn hãy tìm kiếm lời khuyên và trò chuyện với người thân hoặc bạn bè để đánh giá xem có phải bạn đang lo lắng quá mức hay không, những người thường xuyên tiếp xúc với bạn có thể dễ dàng nhận ra sự thay đổi hơn.
11. Thay đổi khẩu vị
Một dấu hiệu stress điển hình khác là sự thay đổi khẩu vị. Hãy suy nghĩ về lượng thức ăn hàng ngày của bạn trong những trường hợp bình thường. Nếu bạn thấy rằng mình ăn nhiều hơn hoặc ít hơn đáng kể so với trước đây, có thể là bạn đang bị căng thẳng và nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Một nghiên cứu trên sinh viên đại học cho thấy 81% báo cáo rằng họ đã trải qua những thay đổi về sự thèm ăn khi bị căng thẳng. Trong số này, 62% có cảm giác thèm ăn hơn, trong khi 38% còn lại giảm.
Ngoài ra, căng thẳng có liên quan đến việc tăng cân do tăng nồng độ cortisol, góp phần làm tăng mức độ chất béo trong cơ thể và có thể làm tăng cảm giác thèm ăn của bạn.
Sử dụng thực phẩm không lành mạnh hoặc ăn quá nhiều để đối phó với căng thẳng có thể gây ra thói quen ăn uống vô độ và tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe như tiểu đường và tăng cân.
Bạn cũng nên lưu ý là ngoài căng thẳng, một số tác nhân khác cũng là lý do khiến bạn thèm ăn hơn bao gồm sử dụng một số thuốc có tác dụng phụ, thay đổi nội tiết tố hoặc tình trạng tâm lý.
12. Giảm ham muốn tình dục
Căng thẳng có thể làm tăng lượng hoóc-môn cortisol. Khi căng thẳng mãn tính, cơ thể sử dụng hoóc-môn sinh dục để đáp ứng nhu cầu sản xuất lượng cortisol cao hơn và làm giảm hứng thú với tình dục.
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2019 cho thấy 51% những người được hỏi cho biết căng thẳng trong công việc ảnh hưởng đến nhu cầu chăn gối của họ.
Ham muốn tình dục thấp có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng bằng cách gây ra các vấn đề trong mối quan hệ hoặc làm giảm sự tự tin của bản thân. Vì vậy, cải thiện cách bạn quản lý căng thẳng là rất quan trọng.
Lời kết
Trên đây là 12 dấu hiệu stress căng thẳng dễ nhận biết để bạn đánh giá xem liệu mình có đang rơi vào tình trạng căng thẳng hay không. Những thay đổi như nhịp tim và nhịp thở nhanh hơn là dễ nhận ra khi căng thẳng với một tình huống trong ngắn hạn.
Trong dài hạn, căng thẳng có thể gây ra các vấn đề với hệ tiêu hóa như đau dạ dày, khó tiêu hoặc táo bón. Tình hình có thể đáng lo ngại hơn khi bạn nhân ra tóc mình ngày càng rụng nhiều hơn hoặc có dấu hiệu bạc tóc.
Để làm giảm tác động của căng thẳng, hãy trò chuyện với những người sẵn sàng lắng nghe bạn như người thân hoặc bạn bè để tìm kiếm sự giúp đỡ và lời khuyên.
Bạn cũng cần tránh xung đột và mâu thuẫn với mọi người trong cuộc sống và công việc, tìm kiếm sự giúp đỡ và chia sẻ trách nhiệm cũng là cách để giảm bớt căng thẳng khi làm việc.
Ngoài ra, bạn hãy chọn cho mình một môn thể thao yêu thích và bắt đầu luyện tập, chạy bộ có thể là cách đơn giản nhất để cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần. Một số hoạt động khác như yoga, bơi lội hay đạp xe cũng mang lại hiệu quả tương tự.
Đừng bỏ lỡ: 14 cách giảm stress trong công việc và cuộc sống cực kỳ hiệu quả