18 cách chữa đau lưng tại nhà mà không cần dùng thuốc

Facebook
Twitter
Email

Đau lưng, đặc biệt là đau lưng dưới là một căn bệnh rất phổ biến, tình trạng cơn đau thường được cải thiện trong vòng vài tuần nhưng đôi khi có thể kéo dài hơn hoặc có thể bị tái phát. Đau lưng làm giảm sút chất lượng cuộc sống cũng như hiệu suất công việc hằng ngày của bạn.

Các chuyên gia ước tính có tới 80% dân số sẽ bị đau lưng vào một thời điểm nào đó trong đời, rất may là có một số cách chữa đau lưng tại nhà mà bạn có thể tự thực hiện. Những liệu pháp khắc phục này bao gồm nhiều cách như: chườm nóng, sử dụng thảo mộc, thay đổi thói quen, đi bộ… Bạn hãy theo dõi nội dung bên dưới để biết cách làm giảm cơn đau lưng của mình nhé!

Thay đổi thói quen hằng ngày

Một số thói quen xấu thường ngày là nguyên nhân dẫn đến đau lưng mà bạn không để ý, những hành động này lặp đi lặp lại lâu dẫn sẽ làm suy thoái chức năng của cột sống, không chỉ khiến bạn đau lưng mà còn ảnh hưởng không tốt đến toàn bộ cơ thể.

#1. Tránh ngồi hoặc đứng quá lâu

Giữ nguyên một tư thế trong thời gian dài gây áp lực lên các cơ hoặc khớp của cột sống, bạn hãy làm theo một số mẹo bên dưới để ngăn ngừa sự căng thẳng và áp lực đến các khớp này.

  • Tránh ngồi quá lâu: Hầu hết chúng ta dành phần lớn thời gian trong ngày ở tư thế ngồi để học tập và làm việc, điều này có thể gây hại cho cột sống. Khi bạn ngồi trong một thời gian dài, áp lực lên đĩa đệm cột sống sẽ tăng lên. Hãy đứng dậy sau mỗi 40 phút hoặc đi bộ quãng ngắn để giảm tải lên các đĩa đệm này.
  • Điều chỉnh tư thế: Tư thế của bạn trong mọi tình huống phải giữ cho cổ, lưng và vai thẳng hàng để tránh gây áp lực lên cột sống. Tư thế sai lâu ngày sẽ dẫn đến đau lưng hoặc làm cho cơn đau trầm trọng hơn.
  • Thay đổi tư thế thường xuyên: Luân phiên các hoạt động để giảm tác động lên các nhóm cơ và khớp. Nếu bạn đã đứng và làm việc một thời gian, hãy cân nhắc chuyển sang một hoạt động khác để bạn có thể ngồi xuống, trở lại tư thế đứng khi các cơ và khớp đã được thư giãn.

#2. Thực hiện các bài tập kéo giãn cơ

Các bài tập kéo dãn và làm căng cơ phù hợp sẽ cải thiện tình trạng đau lưng. Kéo căng cơ, gân và dây chằng hỗ trợ cột sống là yếu tố quan trọng của những bài tập này. Những động tác kéo giãn được thiết kế để giảm đau cổ và lưng mà bạn có thể thực hiện tại nhà, một số trường hợp có thể sẽ được bác sĩ, nhà vật lý trị liệu hoặc chuyên gia về cột sống chỉ định.

Các bài tập kéo giãn thường xuyên giúp giữ cho cơ và dây chằng linh hoạt. Chúng cũng có thể làm giảm áp lực cho các khớp và cải thiện lưu lượng máu, mang chất dinh dưỡng đi khắp cơ thể.

Kéo căng cơ cũng là một bước quan trọng để chuẩn bị cho các hoạt động thể chất như chạy bộ, bơi lội, yoga…  Đó là lý do tại sao các bài tập kéo căng cơ cũng nên được thực hiện trước và sau khi tập luyện để ngăn ngừa căng cơ, đau nhức và tránh chấn thương.

Đừng bỏ lỡ: 10 bài tập yoga chữa đau lưng hiệu quả

#3. Ngủ đủ giấc

Cơ thể bạn cần được nghỉ ngơi sau một ngày dài làm việc liên tục, cột sống và lưng của bạn cũng vậy. Các đĩa đệm sẽ bị nén hoặc bị xoắn khi chúng ta vận động hoặc xoay người, chúng cũng chịu áp lực lớn hơn khi bạn ngồi quá lâu.

Khi bị lạm dụng quá mức, các đĩa đệm sẽ bị hao mòn và suy giảm chức năng mà chúng ta gọi là thoái hóa đĩa đệm, hoặc nhân nhầy đĩa đệm bị lệch khỏi vị trí bình thường, làm chèn ép vào các rễ dây thần kinh gây đau cột sống, hay còn gọi là thoát vị đĩa đệm.

Hãy ngủ đủ giấc để giảm áp lực lên các đĩa đệm, chúng cần có thời gian nghỉ ngơi để phục hồi và tiếp tục bảo vệ các đốt sống của bạn vào ngày hôm sau.

#4. Giảm căng thẳng và áp lực

Căng thẳng và áp lực khiến bạn thay đổi tâm trạng, bị đau đầu, đau dạ dày… , căng thẳng còn có thể là lý do khiến bạn đau lưng. Theo thời gian, căng thẳng lặp đi lặp lại có thể gây ra các vấn đề về cơ xương khớp của cơ thể.

Khi bạn bị căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra các loại hoóc-môn tự nhiên, các hoóc-môn này làm tăng huyết áp và tăng lưu lượng máu, khiến các cơ xung quang cột sống bị căng và co thắt.

Một cách hiệu quả để giảm căng thẳng đó là tham gia vào các hoạt động thể chất có thể giải phóng endorphin và cải thiện sức khỏe tổng thể. Thức dậy sớm mỗi ngày để tập thể dục hoặc đi bộ, chạy bộ là một ý tưởng tuyệt vời.

Khi chạy bộ, bạn sẽ tập trung vào hơi thở nhiều hơn, chạy bộ không chỉ giúp bạn loại bỏ căng thẳng, từ đó cải thiện tình trạng đau lưng mà còn có nhiều lợi ích khác. Bạn hãy đọc bài viết: 14 lợi ích của chạy bộ đối với sức khỏe cơ thể để hiểu rõ hơn nhé!

18 cach chua dau lung tai nha khong can dung thuoc

Ngoài ra, bạn hãy dành thời gian trong lịch trình của mình cho việc thư giãn, đừng để mình quá bận rộn bởi công việc ở văn phòng. Dành thời gian cho gia đình và bạn bè hoặc đọc một cuốn sách hay cũng giúp bạn giảm bớt căng thẳng hiệu quả.

#5. Chế độ ăn uống chống viêm

Chế độ ăn phù hợp sẽ giúp bạn cải thiện và ngăn ngừa đau lưng, nhưng chúng không mang lại hiệu quả tức thời như thuốc giảm đau, cơ thể cần thời gian để hấp thụ các chất dinh dưỡng. Vì vậy, nếu bạn thay đổi chế độ ăn nhưng không cảm thấy khác biệt trong thời gian ngắn, đừng nản lòng vì điều đó rất bình thường.

Trai cay dieu tri dau lung

Một chế độ ăn uống chống viêm không chỉ là loại bỏ các loại thực phẩm gây viêm mà bạn cần ăn đủ các loại thực phẩm làm giảm các tác nhân gây viêm.

  • Ăn trái cây và rau quả có nhiều màu sắc: Nếu bạn đã xác định giảm đau lưng là mục tiêu chính, hãy ăn từ 4 đến 6 cốc rau và trái cây có nhiều màu sắc, tốt nhất là bạn không thêm đường để đảm bảo cung cấp các chất dinh dưỡng chống viêm. Bạn hãy ăn rau nhiều hơn, đặc biệt là những loại rau thuộc họ cải như cải xoong, bông cải xanh… chúng rất tốt để chống viêm hiệu quả.
  • Hạn chế đồ ăn nhanh: Các bác sĩ khuyên bạn hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ như đồ ăn nhanh, đồ chiên xào, nước ngọt… vốn dễ gây nên tình trạng viêm nhiễm. Từ bỏ bia rượu hoặc các loại đồ uống có chứa caffein.
  • Sử dụng gia vị chống viêm: Một số gia vị có khả năng chống viêm hiệu quả như nghệ hay gừng, hãy sử dụng chúng thường xuyên trong bữa ăn hàng ngày. Ngoài ra, hạn chế sử dụng dầu ăn được tinh chế từ đậu nành hoặc dầu thực vật, chúng đã qua quá trình chế biến ở mức độ cao và chứa chất béo omega-6 có khả năng gây viêm nhiễm, thay thế bằng loại dầu không bão hòa như dầu hạt cải hoặc dầu ô liu khi nấu ăn.

#6. Ngừng hút thuốc

Hầu hết mọi người đều biết hút thuốc có thể gây ung thư, bệnh phổi và bệnh tim mạch. Nhưng ít ai biết hút thuốc cũng góp phần gây nên tình trạng đau lưng.

Nicotine có trong thuốc lá làm cản trở việc cung cấp máu giàu oxy đến các khớp và mô của bạn. Lưu lượng máu và chất dinh dưỡng giảm có thể gây ra thoái hóa, đặc biệt là ở các đĩa đệm của cột sống, vốn đã có lưu lượng máu hạn chế hơn. Kết quả là bạn có thể bị đau lưng dưới và đôi khi bị loãng xương.

Thống kê cũng cho thấy, những người hút thuốc lá có nguy cơ đau thắt lưng cao gấp ba lần so với người không hút thuốc. Thuốc lá làm tình trạng cơn đau trầm trọng hơn ở các khớp xương nói riêng và các cơn đau nói chung. Từ bỏ thói quen hút thuốc không chỉ giúp giảm đau lưng mà còn ngăn ngừa cơ thể khỏi nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.

Những cách chữa đau lưng tại nhà

Thay đổi thói quen hàng ngày sẽ giúp bạn ngăn ngừa chứng đau lưng quay trở lại, đó là một quá trình để cơ thể hồi phục và tự chữa lành. Tuy nhiên, bạn cũng cần có những liệu pháp tác động vật lý để làm giảm đau tức thời hoặc sử dụng các loại thảo mộc để chủ động kiểm soát cơn đau.

#1. Chườm lạnh

Chườm lạnh làm giảm lưu lượng máu đến khu vực bị đau, điều này làm chậm tốc độ viêm và giảm nguy cơ sưng tấy và tổn thương mô. Nó cũng hoạt động như một chất gây tê cục bộ và làm chậm các tín hiệu về cơn đau được truyền đến não.

Nước đá có thể giúp điều trị khớp hoặc cơ bị sưng và viêm, có hiệu quả nhất trong vòng 48 giờ sau khi bị thương.

Cách chườm đá cũng rất đơn giản, bọc những viên đá trong tủ lạnh vào một túi ni lông, quấn chúng vào một cái khăn trước khi đặt lên vùng lưng bị đau, không được thoa hoặc đặt đá trực tiếp lên da.

Chườm lạnh trong vòng 10 đến 15 phút, nghỉ ngơi mỗi 30 phút trước khi tiếp tục để tránh làm tổn thương da.

Chườm lạnh có thể hữu ích cho những trường hợp sau:

  • Viêm xương khớp.
  • Chấn thương mới trong vòng 48 giờ.
  • Căng cơ và bong gân.
  • Người bị bệnh Gout.

Trong nhiều tình huống, chườm lạnh không phải là cách phù hợp, thậm chí còn làm tình hình trầm trọng hơn, không chườm lạnh trong những trường hợp sau:

  • Không chườm lạnh khi bị chuột rút.
  • Người đang bị lạnh hoặc khu vực tổn thương đã bị tê liệt.
  • Có vết thương hở hoặc da bị phồng rộp.
  • Người nhạy cảm với lạnh.

#2. Chườm nóng

Chườm nóng là một cách chữa đau lưng tại nhà hiệu quả vì nó làm tăng cường tuần hoàn, cho phép các chất dinh dưỡng và oxy đi đến các khớp và cơ. Sự tuần hoàn này giúp chữa lành các cơ bị tổn thương, giảm viêm và cải thiện tình trạng cứng cơ ở lưng.

Bạn có thể mua các túi sưởi chườm nóng có bán sẵn trên thị trường, chúng tiện lợi và di động. Túi sưởi cũng chạy bằng điện, vì vậy bạn có thể sử dụng chúng ở bất cứ đâu trong nhà. Bạn cũng rất lưu ý khi chọn mua túi sưởi để đảm bảo chất lượng, mang lại hiệu quả và an toàn khi sử dụng.

Một cách khác đơn giản hơn là bạn hãy dùng một chiếc khăn, ngâm nó vào nước nóng khoảng 40 – 50°C trong 2 đến 3 phút để nó nóng lên, vắt khô nước trước khi chườm lên vùng lưng bị đau. Ngâm vào nước để khăn nóng trở lại sau khoảng từ 5 đến 10 phút sử dụng.

Cach chua dau lung tai nha bang chuom nong

Chườm nóng thường hiệu quả trong những trường hợp sau:

  • Viêm xương khớp.
  • Căng cơ và bong gân.
  • Làm nóng cơ trước khi vận động.
  • Giảm đau hoặc co thắt liên quan đến chấn thương cổ hoặc lưng, bao gồm cả lưng dưới.

Ngoài ra, chườm nóng thường hiệu quả hơn chườm lạnh trong việc điều trị đau cơ mãn tính hoặc đau khớp do viêm khớp.

Chườm nóng có tác dụng giảm đau hiệu quả, nhưng nó có thể gây nguy hiểm khi bạn sử dụng không đúng cách, một số mẹo để đảm bảo an toàn khi sử dụng được lưu ý bên dưới:

  • Có nhiều loại túi sưởi trên thị trường, một số có lớp đệm dày bên ngoài để tránh nhiệt tác động trực tiếp lên da, một số loại khác có thể không có. Do đó, bạn nên cân nhắc quấn túi sưởi vào trong khăn trước khi đặt lên da để tránh bị bỏng.
  • Khi sử dụng túi sưởi, hãy bắt đầu ở mức có nhiệt độ thấp nhất và từ từ tăng cường độ nhiệt.
  • Không sử dụng túi sưởi có dây điện bị nứt hoặc bị đứt.
  • Đừng ngủ quên khi sử dụng túi sưởi.
  • Không chườm nóng lên những vùng da có vết thương hở hoặc khu vực bị tê liệt.

#3. Tắm bằng nước nóng

Tắm bằng nước nóng có tác dụng tương tự như việc chườm nóng, nhưng nhiệt độ khi tắm sẽ tác động đến nhiều vị trí trên cơ thể hơn. Nước bao quanh toàn bộ cơ thể làm tăng nhiệt độ của các cơ của thông qua việc làm nóng sâu.

Nước ấm kích thích lưu lượng máu đến các cơ và khớp bị cứng, chúng giúp thư giãn cơ bắp của bạn, giảm co thắt cơ và thúc đẩy quá trình chữa lành mô.

Bạn có thể tắm dưới vòi hoa sen hay ngâm mình trong bồn tắm, nhưng ngâm mình trong nước nóng sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất, bồn tắm duy trì nhiệt độ ổn định lên các khớp và cơ trong thời gian đủ lâu. Nên ngâm mình trong khoảng thời gian từ 15 đến 20 phút ở nhiệt độ vừa phải, nước quá nóng sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu.

Ngoài ra, một số bác sĩ khuyên bạn nên ngâm mình trong bồn nước nóng với muối Epsom, chúng được làm từ magiê, là một chất làm giãn cơ tự nhiên, muối Epsom giúp giảm viêm và giảm đau với các vấn đề về lưng và căng cơ.

Nếu bạn sử dụng muối Epsom trong bồn tắm nước nóng, không nên sử dụng vượt quá lượng khuyến nghị ghi trên bao bì. Bạn cũng nên lưu ý rằng, một số người cho biết họ không thể ngủ ngon sau khi tắm nước quá nóng. Vì vậy, bạn không nên tắm nước nóng vào buổi tối muộn, nó có thể khiến bạn khó ngủ.

#4. Bôi kem giảm đau

Một số loại kem bạn có thể mua ở hiệu thuốc để làm giảm tình trạng đau lưng. Các loại kem này có chứa capsaicin, một hợp chất có trong ớt cay có tác dụng giảm đau nhức xương khớp.

Ngoài ra, các sản phẩm bôi ngoài da có chứa tinh dầu bạc hà cũng sử dụng cho những bệnh nhân có nhiều tình trạng bệnh, bao gồm kiểm soát cơn đau liên quan đến căng cơ, đau lưng, đau khớp, các tình trạng đau liên quan đến viêm khớp…

Những sản phẩm này vừa mang lại cảm giác mát lạnh, vừa có thể mang lại cảm giác thoải mái và giảm đau. Tuy nhiên, sử dụng quá nhiều tinh dầu bạc hà có thể khiến người bệnh nhạy cảm hơn với cơn đau.

#5. Miếng dán nhiệt

Miếng dán nhiệt có tác dụng cung cấp nhiệt liên tục trong nhiều giờ liền lên vùng bị đau. Một số miếng dán nhiệt được thiết kế đặc biệt để phù hợp với vùng thắt lưng của bạn, cho phép bạn di chuyển thoải mái trong khi đang sử dụng sản phẩm.

Cách sử dụng những miếng dán này cũng rất đơn giản, chỉ cần lấy lớp phủ bảo vệ khỏi miếng dán, sau đó dán mặt dính lên vùng lưng bị đau hoặc vào quần áo. Khi gặp không khí, chúng sẽ nóng lên giúp xoa dịu những cơn đau.

Sử dụng miếng dán nhiệt trong những trường hợp sau:

  • Căng cơ, bong gân.
  • Đau lưng, hông, bắp chân, đùi, cổ, cánh tay và vai.
  • Người ngồi một chỗ trong thời gian dài (ngồi tại bàn làm việc, ngồi lái xe).
  • Thư giãn cơ, giảm cứng, giảm đau và cải thiện cung cấp máu cho vùng bị ảnh hưởng.

Không sử dụng miếng dán nhiệt trong các trường hợp:

  • Vùng da bị rạn, trên mặt, vết bầm tím hoặc vết sưng tấy.
  • Không nên sử dụng khi đang ngủ.
  • Không phù hợp cho trẻ em.
  • Không được sử dụng trên cùng một khu vực hơn 8 giờ mỗi ngày.
  • Miếng dán nhiệt có khả năng gây kích ứng da, bỏng hoặc phồng rộp. Ngừng sử dụng khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.

#6. Sử dụng sản phẩm làm từ nghệ

Một cách chữa đau lưng tại nhà đó là sử dụng nghệ, bột nghệ là một loại gia vị rất phổ biến ở Việt Nam và các nước châu Á, bột nghệ có rất nhiều công dụng như làm đẹp da, chữa viêm loét đại tràng, tốt cho tim mạch… Ngoài ra, chúng còn có tác dụng chữa trị các cơn đau liên quan đến viêm khớp.

Một cách đơn giản để hấp thụ nghệ đó là trộn một lượng nhỏ bột nghệ (khoảng một nửa thìa cà phê) với một ly sữa ấm, bạn có thể thêm mật ong vào sữa nếu thích vị ngọt hơn.

Ngoài việc pha chế thành thức uống, bạn có thể trộn mật ong cùng bột nghệ và nặn thành những viên nhỏ. Viên nghệ mật ong này có thể ăn trực tiếp hoặc uống với nước hàng ngày, vì đã được trộn với mật ong nên nó sẽ không còn vị đắng và mùi nồng như thường nữa.

Tinh bot nghe chua dau lung

Một lưu ý cho bạn đó là tiêu thụ các sản phẩm từ sữa có thể làm tăng tình trạng viêm ở một số người. Do vậy, tốt nhất là hãy dùng sữa có nguồn gốc từ thực vật, chẳng hạn như sữa hạnh nhân. Bạn cũng nên uống sữa nghệ hoặc viên nghệ mật ong ngay trước khi đi ngủ để quá trình chống viêm hoạt động trong khi bạn đang ngủ.

#7. Uống trà xanh gừng

Cả trà xanh và gừng đều được chứng minh là có lợi cho sức khỏe. Trong suốt lịch sử, trà xanh được cho là có tác dụng giảm đau, hỗ trợ tiêu hóa, thanh nhiệt giải khát, lợi tiểu.

Trong nhiều thế kỷ, gừng đã được sử dụng để điều trị các vấn đề tiêu hóa, viêm khớp, hen suyễn, tiểu đường và các triệu chứng kinh nguyệt. Các nghiên cứu khoa học cho thấy gừng có khả năng giảm buồn nôn và nôn mửa do mang thai, điều trị ung thư và say tàu xe. Gừng cũng được chứng minh là có tác dụng giảm viêm và giảm đau.

Tra xanh gung dieu tri dau lung

Uống trà xanh gừng là một lựa chọn tuyệt vời để vừa thưởng thức đồ uống ngon vừa điều trị chứng đau lưng. Bạn có thể mua các túi trà xanh gừng được bán ở siêu thị để dễ dàng sử dụng tại nhà hoặc nơi làm việc.

Mặc dù rất tốt cho sức khỏe nhưng bạn không nên lạm dụng trà xanh và gừng quá nhiều, sử dụng trà xanh với liều lượng cao có thể gây nhiễm độc mạn tính, biểu hiện bởi sự mất ngủ, gầy yếu hoặc mất cảm giác ngon miệng.

Uống quá nhiều gừng có thể gây tiêu chảy, ợ chua và thậm chí là nhịp tim không đều. Hãy sử dụng trà xanh với liều lượng vừa phải để tốt nhất cho sức khỏe và lưng của bạn.

#8. Thiền chánh niệm

Mặc dù có vẻ khó tin nhưng một số nghiên cứu và thử nghiệm cho thấy thiền định có thể là một phương pháp điều trị hiệu quả cho chứng đau thắt lưng.

Thiền còn giúp bạn cải thiện sự tập trung, giải phóng các hoóc-môn tạo cảm giác dễ chịu (endorphin), giảm lo lắng và căng thẳng. Thông qua thiền chánh niệm, bạn có thể kiểm soát cách cơ thể cảm nhận cơn đau.

Tìm một căn phòng tối yên tĩnh và ngồi thiền từ 5 đến 10 phút vào buổi sáng. Bạn cũng có thể thử thiền trước khi đi ngủ hoặc trong khi nghỉ ngơi tại nơi làm việc. Nếu bạn không thích thiền, hãy thử các bài tập hít thở đơn giản, hít thở sâu và chậm 10 lần liên tiếp.

Vận động để điều trị và ngăn ngừa đau lưng

Một số hình thức vận động sẽ giúp điều trị và ngăn ngừa đau lưng, hãy thử các bài tập yoga, đi bộ, chạy bộ hoặc bơi lội và biến chúng trở thành thói quen hàng ngày.

Chơi thể thao không chỉ cải thiện và ngăn ngừa đau lưng mà còn rất nhiều lợi ích khác như tăng khả năng miễn dịch, xương chắc khỏe hơn, lưu thông máu tốt hơn… Đi bộ là đơn giản nhất để bạn có thể bắt đầu luyện tập.

#1. Tập yoga

Các bài tập yoga không chỉ ngăn ngừa mà còn điều trị đau lưng rất hiệu quả, chúng giúp kéo dãn lưng, cải thiện sức khỏe của cơ và khớp, tăng cường trao đổi các chất dinh dưỡng để chữa lành thông qua tuần hoàn máu, tăng độ dẻo dai của cột sống.

Tap yoga diu tri dung hieu qua

Trước khi thực hiện bất kỳ bài tập nào, hãy dành thời gian khởi động nhẹ nhàng để làm nóng các cơ và khớp, hãy thực hiện các động tác kéo giãn từ từ để bạn cảm thấy thoải mái mà không bị đau.

Bạn có thể tập yoga bất kỳ lúc nào, nhưng thời điểm lý tưởng là vào sáng sớm để giúp thả lỏng cột sống của bạn, đồng thời cũng làm giảm độ cứng và đau nhức ở lưng.

#2. Bơi lội

Bơi lội là một hình thức tuyệt vời để cơ thể vận động mà ít tác động đến lưng của bạn. Không giống như nhiều môn thể thao khác, bơi lội ít tác động đến cấu trúc cột sống và các khớp vì cơ thể sẽ nổi trong nước.

Đối với nhiều người bị viêm xương khớp hoặc bị đau lưng nghiêm trọng, các bài tập trong hồ bơi sẽ là một phần của liệu pháp được khuyến nghị. Trong trường hợp này, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ để có những bài tập phù hợp nhất.

Ngoài ra, để đạt được lợi ích hiệu quả nhất từ bơi lội, bạn hãy thực hiện các động tác đúng kỹ thuật để tránh cơn đau trầm trọng hơn hoặc bị tái phát. Bơi tự do hoặc bơi ngửa có thể phù hợp nhất vì những động tác này sẽ ít gây ảnh hưởng hơn đối với phần lưng dưới của bạn so với bơi ếch hoặc bơi bướm.

#3. Đi bộ

Đi bộ chữa đau lưng đã được các bác sĩ trên thế giới khuyến khích từ lâu, nó đặc biệt hữu ích đối với những người đang hồi phục sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật vùng lưng dưới.

Nếu đang bị đau lưng, điều quan trọng là bạn phải có một tư thế đi bộ tốt, giữ cho cột sống của bạn ở vị trí tự nhiên, không nghiêng về phía trước cũng như phía sau. Bạn cũng nên cố gắng ngẩng cao đầu và hướng mắt về phía trước, tư thế đúng có thể ngăn ngừa đau lưng, hỗ trợ giảm đau và phục hồi cho những người bị đau thắt lưng.

Một trong những lợi thế của việc đi bộ là nó không yêu cầu các thiết bị đi kèm đắt tiền hoặc cồng kềnh. Tất cả những gì bạn cần là một đôi giày đi bộ tốt và bạn đã sẵn sàng bước đi để giảm đau lưng.

Đi bộ cũng không đòi hỏi nhiều kỹ thuật phức tạp, nên bạn không cần sự hỗ trợ của các chuyên gia vật lý trị liệu. Bạn có thể đi bộ ở bất cứ đâu và bất kỳ khi nào, công viên hoặc những con đường có nhiều cây xanh là lý tưởng cho những buổi đi dạo của bạn.

Cach chua dau lung tai nha bang di bo

Các bác sĩ khuyến cáo nên đi bộ từ 10 đến 30 phút ít nhất một lần mỗi ngày để điều trị đau lưng hiệu quả. Nếu bạn chưa quen với việc đi bộ, hãy bắt đầu từ từ, đi bộ 5 đến 10 phút mỗi lần để cơ thể quen với việc di chuyển. Khi đã cảm thấy thoải mái, hãy cố gắng đi bộ trong thời gian dài hơn.

Đi bộ là một cách tốt để ngăn ngừa và điều trị đau thắt lưng, nhiều nghiên cứu cho thấy rằng đi bộ thường tốt hơn so với việc chỉ nằm nghỉ ngơi trên giường. Vì thế, có thể bạn sẽ cảm thấy khó khăn khi mới bắt đầu, nhưng nó sẽ giúp bạn phục hồi nhanh hơn.

Đau lưng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, biết được nguyên nhân sẽ có cách điều trị phù hợp. Nếu cơn đau không thuyên giảm khi bạn đã đi bộ được một thời gian, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị tốt nhất.

Bài viết liên quan: Đau lưng ở người trẻ, nguyên nhân và cách điều trị

#4. Chạy bộ

Bạn không nên chạy bộ khi đang bị đau lưng, nó sẽ phù hợp cho những ai đã hồi phục hoàn toàn và không còn bị đau, chạy bộ giúp ngăn ngừa những cơn đau quay trở lại. Để giảm đau lưng hiệu quả, bạn nên đi bộ nhẹ nhàng chứ không nên chạy.

Nếu bạn không đang trong tình trạng đau lưng, chạy bộ sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn so với đi bộ vì nó đòi hỏi cơ thể vận động nhiều hơn, tăng cường trao đổi chất và lưu lượng máu đi khắp cơ thể. Chạy bộ cũng giúp bạn tập trung vào việc hít thở, giúp phổi và tim khỏe hơn.

Ngoài ra, chạy bộ còn tốt cho sức khỏe tinh thần, ngăn ngừa nhiều bệnh ung thư, giúp bạn ngủ ngon hơn, cải thiện tim mạch…

Chạy bộ không hề ảnh hưởng xấu đến xương khớp như nhiều người vẫn nghĩ. Nhiều thử nghiệm đã cho thấy rằng, những người ít vận động hoặc tập thể dục thường bị các vấn đề liên quan đến xương khớp hoặc đau lưng nhiều hơn so với những người chạy bộ thường xuyên, chạy bộ cũng giúp tăng mật độ xương của bạn. Quan trọng là bạn phải chạy đúng kỹ thuật và có giày phù hợp để chạy.

Để bắt đầu chạy bộ, bạn phải tìm hiểu và áp dụng tốt các kỹ thuật chạy bộ để tránh bị chấn thương, hầu hết các trường hợp bị đau chân hoặc đau lưng là do người chạy không có kỹ thuật đúng ban đầu, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến các khớp.

Một đôi giày chạy bộ là bắt buộc phải có để chúng hấp thụ chấn động và hỗ trợ lực tốt nhất cho đôi chân, giày đi lại thông thường không phù hợp để chạy bộ, đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến bạn gặp những chấn thương khi chạy.

Nếu bạn chỉ mới bắt đầu đi bộ, hãy cân nhắc lựa chọn một đôi giày chạy bộ ngay từ đầu để đỡ tốn kém khi bạn muốn chạy sau này, một đôi giày chạy bộ có thể dùng để đi bộ nhưng giày đi bộ có thể không phù hợp để chạy.

Bài viết liên quan: Giày chạy bộ là gì? Cấu tạo giày chạy bộ như thế nào?

Lời kết

Trên đây là 18 cách chữa đau lưng tại nhà mà bạn có thể tự thực hiện, một số phương pháp làm giảm cơn đau tạm thời, một số khác giúp cung cấp các chất chống ngăn ngừa viêm nhiễm hoặc loại bỏ tác nhân gây viêm ra khỏi cơ thể.

Thay đổi thói quen là điều quan trọng vì thói quen là những hành vi lặp đi lặp lại, chúng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Bạn cũng nên đi bộ hoặc thử các bài tập yoga và xem đây như là thói quen hàng ngày, các hình thức vận động phù hợp không chỉ giúp điều trị và ngăn ngừa đau lưng, chúng có lợi nhiều mặt từ thể chất đến tinh thần của bạn.

Bạn nghĩ sao về những phương pháp điều trị đau lưng trong bài viết này, hãy để lại ý kiến đóng góp hoặc câu hỏi bên dưới phần bình luận bạn nhé!

Nguyễn Tấn Tài

Nguyễn Tấn Tài

Xin chào! Mình là Tài, người lập ra blog này để chia sẻ đến bạn những câu chuyện liên quan đến chạy bộ, đạp xe, bơi lội... Mình hoàn thành cự ly Marathon 42,195 km đầu tiên vào năm 2021. Tìm hiểu thêm về Tài tại đây. Hãy để lại ý kiến cũng như đánh giá về bài viết nếu có thể bạn nhé! Cảm ơn bạn rất nhiều!

Bài viết liên quan:

Bình luận của bạn